Rừng giữa biển
Vừa chạm chân đến bến phà Bình Khánh để sang Cần Giờ, hơi nước mát từ dưới sông hắt lên đã thổi bay cái nóng trên 40oC của đô thị còn mang trên người. Cần Giờ đón dòng người bằng “đại lộ” Rừng Sác nối bến phà Bình Khánh về đến thị trấn cửa biển Cần Thạnh. Đường 2 chiều rộng thoáng, ở giữa dải phân cách rực màu hoa giấy đỏ kéo dài hút tầm mắt. Con đường xuyên giữa rừng xanh trong ngày nắng gắt làm cho những bông hoa giấy càng đượm màu, đỏ tươi. Con đường vừa chạy qua những vuông tôm, khu dân cư mới thì lọt vào giữa rừng cây cao vút.
Đối với chúng tôi đã quen vì không ít lần đi tham quan rừng, còn nhóm bạn là cựu sinh viên đại học từ Huế vào không khỏi ngạc nhiên khi nghe cô hướng dẫn viên thông báo “Chuẩn bị xuống ca-nô đi tham quan rừng”. Mọi người nhanh chóng chuyển từ xe khách sang thuyền máy để đi tham quan, khám phá rừng. Khung cảnh rừng cây, sông nước đan quyện, xen lẫn vào nhau mở ra trước mắt. Sau những vòng cua tung bọt nước trắng xóa, đoàn người vừa cất bước lên bờ đã lọt thỏm dưới tán rừng, lá cây đan kín không còn thấy mặt trời.
Rừng giữa biển nước vừa lạ vừa hấp dẫn với mọi người. Điều ấn tượng khó quên lại xuất phát từ sự tích của những cánh rừng - khu sinh quyển thiên nhiên thế giới do bàn tay con người tạo ra. Sau năm 1975, rừng Cần Giờ đã biến thành vùng đất trắng vì chất diệt cỏ. Mồ hôi của bao thế hệ thanh niên thành phố đổ xuống để sau 25 năm, năm 2000 tổ chức UNESCO công nhận rừng ngập mặn Cần Giờ là khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới. Khu rừng rộng 37.000ha nhưng có đến 157 loài thực vật, 70 loài động vật, khu hệ cá có 37 loài, khu hệ chim có 130 loài và khu hệ thú có 19 loài.
Câu chuyện về những cánh rừng cắt ngang bởi tiếng quẫy đớp mồi của cá sấu Rừng Sác. Những con cá sấu đen trũi, hung dữ lao lên khỏi mặt nước làm nhiều người không khỏi giật mình, mặt tái xanh vì sợ. Cô hướng dẫn viên giới thiệu: “Nơi đoàn đang đứng là căn cứ địa của Đoàn đặc công 10 Rừng Sác nổi danh một thuở. Người lính phải sống, chiến đấu cho đến ngày chiến thắng trong điều kiện trên đầu bom đạn, máy bay quần thảo, dưới nước cá sấu nhung nhúc”.
Miền đặc sản
Rời tán rừng của khu sinh quyển thế giới là chạm chân đến biển. Thị trấn Cần Thạnh thủ phủ của huyện duyên hải Cần Giờ, mang dáng dấp đô thị trẻ ưỡn mình đón gió. Xa xa trước mắt là thành phố biển Vũng Tàu. Chiều dài bờ biển Cần Giờ khiêm tốn, chỉ hơn 10km, nhưng là nơi con nước hòa với biển của 2 sông lớn Vàm Cỏ và Đồng Nai. Cần Giờ được nhiều người biết đến không chỉ là khu sinh quyển thiên nhiên thế giới, mà đã có tiếng từ lâu bởi vùng đất có nhiều loại sản vật, thủy hải sản.
Người dân Cần Giờ tự hào nói về quê hương mình, vùng đất được bồi đắp bằng phù sa của những con sông. Trên bờ, những khu vườn đất phù sa đã làm nên thương hiệu xoài cát Cần Giờ. Phù sa tạo thành bãi bồi ven biển rộng hàng kilômét là những sân nghêu nổi tiếng. Còn phù du chảy ra biển lớn là ngư trường giàu thủy hải sản. Nhiều người còn đặt cho Cần Giờ tên gọi mới: Miền đặc sản. Những loại đặc sản của vùng duyên hải có thể kể đến là: xoài cát Cần Giờ; nghêu Cần Thạnh, Long Hòa; khô cá dứa; cá đối; sam trứng nướng; ốc móng tay; tôm; địa sâm và yến sào.
Vùng duyên hải Cần Giờ đang chuyển mình. Trong những ngày tháng tư này, người dân phố biển lại đón thêm niềm vui mới khi chính quyền thành phố tổ chức thi tuyển thiết kế cầu Cầu Giờ. Vào một ngày không xa, khi chiếc cầu đã nối đôi bờ, dự án lấn biển rộng hàng ngàn hécta đang mở ra, Cần Giờ càng có sức hút hơn và sẽ cất cánh vươn xa.
Không khí mát, trong lành của khu dự trữ sinh quyển thiên nhiên thế giới cùng sản vật phong phú đã tạo nên sức hút của vùng đất này. Trong dòng người tìm đến phố biển Cần Giờ, không chỉ người dân ở nội thành đi trốn nắng nóng mà có nhiều du khách trong và ngoài nước. Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết du lịch là thế mạnh, một trong những mũi đột phá để phát triển kinh tế của huyện. Những sản vật, địa danh nổi tiếng đã là “sứ giả”, cầu nối đưa khách thập phương tìm đến. Trong những năm qua số lượng du khách đến Cần Giờ tăng liên tục, đã bỏ xa con số 500.000 khách mỗi năm, doanh thu từ du lịch cũng đã vượt con số 500 tỷ đồng. |