Năm 2021 nhiều khó khăn và thách thức, khi đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài gây hậu quả nghiêm trọng đến mọi khía cạnh đời sống kinh tế - xã hội, trong khi cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt giữa các cường quốc.
Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, dưới góc nhìn của các chuyên gia, ASEAN đã trở thành “chiến trường then chốt” với việc tiếp tục thúc đẩy Tầm nhìn Cộng đồng, duy trì và củng cố vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực xuyên suốt năm nay.
Việc Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia đối tác đối thoại là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 phát đi tín hiệu rõ ràng đến cộng đồng quốc tế rằng, khu vực Đông Nam Á luôn mở với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Trung Quốc; quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Australia và Anh chính thức trở thành nước đối tác đối thoại thứ 11 của ASEAN được đánh giá là những bước ngoặt giúp ASEAN thúc đẩy sự điều phối và hợp tác để ứng phó những thách thức trong thế giới hậu đại dịch, đồng thời thể hiện vai trò một khu vực mở và bao trùm với trọng tâm là ổn định khu vực và thịnh vượng kinh tế.
Trả lời phỏng vấn của báo giới, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nhận định, sự tham gia lần đầu tiên của đại diện các nước ASEAN thể hiện các nước G7 ngày càng tăng cường quan tâm đến khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN.
Tiến sĩ Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore nhận định, điểm nổi bật của ASEAN trong năm 2021 chính là nỗ lực kiểm soát đại dịch ở tầm khu vực và tăng cường can dự với các nước đối tác ngoài khu vực, vẫn duy trì vai trò trong thương mại toàn cầu khi thể hiện sự linh hoạt về kinh tế. Điều này giúp triển vọng tăng trưởng của các nước khu vực tương đối sáng sủa trong năm 2022, theo dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs.