“Hà Nội là một thủ đô cổ kính, một kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam. Nhưng cái tên Hà Nội giản dị ấy đã đọng lại trong tôi bao kỷ niệm khó quên”. Đó là lời mở đầu bài viết về Hà Nội nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội của TS Bountheng Souksavatd, Viện Khoa học xã hội Quốc gia Lào, một người đã có thời gian dài gắn bó với Hà Nội.
- Giọng nói Hà Nội: Khơi dậy niềm tin và hy vọng
Hà Nội là nơi hội tụ bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nhưng trong cái chung đó, người Hà Nội qua bao thế hệ vẫn giữ được bản sắc văn hóa riêng của mình. Đó là nét thanh lịch, một trong những đặc điểm truyền thống của người Hà Nội xưa.
Qua nhiều năm tháng du học ở Hà Nội, được tiếp xúc với nhiều người Hà Nội, đặc biệt là người Hà Nội gốc, tôi nhận thấy giữa họ có một khoảng trống vô hình, họ ngày đêm giữ gìn bản sắc văn hóa mang nhiều yếu tố Nho giáo. Bản sắc văn hóa của người Hà Nội gốc hay còn gọi là cái hồn của người Hà Nội xưa được thể hiện rõ nét qua cách ứng xử được xem là thanh lịch cả về ngôn ngữ, cung cách ăn mặc, nếp sống, tính cách trong giao tiếp...
Người Hà Nội gốc có thứ ngôn ngữ rất riêng. Đó là thứ ngôn ngữ được biểu cảm qua lời ăn tiếng nói lịch lãm, hiếu khách, khôn ngoan cuốn hút lòng người. Ngôn ngữ của người Hà Nội được bắt nguồn từ việc coi trọng cái đức, cái đức phải là tiêu chí đầu, tài sắc phú quý tính sau. Người Hà Nội quan niệm rằng, chỉ có cái đức là trường tồn, những thứ khác đều phù du cả. Đó chính là triết lý mang tính thực tiễn đầy tự tin và thuyết phục.
Trong những năm chiến tranh ác liệt, ngồi nghe chương trình “Kể chuyện đêm khuya” của Đài Tiếng nói Việt Nam mà ngỡ đất nước này đang trong cuộc sống thanh bình. Giọng nói đó chân tình, dễ cảm nhận, dễ nghe và điều quan trọng là nó đã khơi dậy trong tâm thức của người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng, niềm tin và hy vọng. Đấy cũng là một thế mạnh truyền thống của người Hà Nội.
- “Mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi...”
Người Hà Nội đều biết tùy nghi sử dụng các kiểu quần áo, khăn mũ, hài hòa màu sắc, phù hợp với hoàn cảnh công việc hoặc nghi lễ. Nó khác hẳn lối tùy tiện ở một số nơi, dự hội nghị quốc tế vẫn ăn mặc như dạo mát trên bãi biển. Hà Nội xưa, dẫu là người nghèo, áo rách nhưng miếng vá rất ngay ngắn, đúng màu vải, màu chỉ và luôn sạch sẽ. Trong đó, chiếc áo dài của người phụ nữ là một trong trang phục đẹp nhất.
Người Hà Nội xưa ăn nói nhẹ nhàng, tế nhị, họ kỵ với tính xô bồ, vội vàng và nóng nảy. Giọng nói luôn kết hợp hài hòa với dáng điệu, cử chỉ tao nhã tạo nên sức hấp dẫn vô hình cho người mình tiếp chuyện.
Với người Hà Nội gốc, mọi thứ đều có thể được giải quyết nhẹ nhàng, êm thấm, nhanh gọn và hiệu quả. Đó là nét đặc trưng của người Hà Nội, điều mà qua giao tiếp, sẽ giúp chúng ta nhận biết đâu là người Hà Nội gốc và đâu là người Hà Nội mới. Chúng tôi khi hội tụ bạn học cũ tại Hà Nội, đều ngồi hàn huyên theo truyền thống người Hà Nội, suốt buổi tối xoay quanh chuyện ngày xưa. Chúng tôi ai nấy đều cảm nhận được kỷ niệm xưa sao êm đềm, thân ái đến vậy.
Xét cho cùng, những đặc điểm tính cách ấy của người Hà Nội nghe có vẻ xưa cũ, nhưng hóa ra lại rất hiện đại. Chính điều đó càng làm tôi thêm yêu Hà Nội, Hà Nội vừa đẹp cổ kính với 36 phố phường, vừa hiện đại với những đô thị mới.
Tôi rất thích câu hát trong sáng tác của nhạc sĩ Lê Vinh: “Những ngày tôi lang thang, tôi mới hiểu tâm hồn người Hà Nội, mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi, mộc mạc thôi mà bâng khuâng nhớ mãi..”. Giữa tốc độ đua chen, cạnh tranh hiện nay, sự ôn hòa, lịch lãm, khôn ngoan lại rất cần thiết. Và cả cái tính “tự nhiên như người Hà Nội” cũng rất hợp thời vì tự nhiên là biểu hiện của tự tin, một phẩm chất cần có khi bước ra thế giới.
Nét thanh lịch của người Hà Nội xưa, nếu được nhân lên, được phổ cập, chắc chắn sẽ góp phần tạo ra một đời sống xã hội tốt đẹp hơn cho đất nước Việt Nam. Chính yếu tố thanh lịch là nền tảng cho sự hội nhập mang tính hài hòa và đa dạng hóa giữa các dân tộc trong cộng đồng và trên thế giới ngày nay…
TS. BOUNTHENG SOUKSAVATD