Ủy viên ngân sách châu Âu Johannes Hahn nhấn mạnh, đây là đợt phát hành và huy động vốn từ trái phiếu xanh lớn nhất trên thị trường thế giới đến thời điểm hiện tại. EC cho biết, hiện nhu cầu của nhà đầu tư đối với các sản phẩm tài chính này đã vượt quá 135 tỷ EUR (155,9 tỷ USD). Lãi suất trái phiếu đặc biệt ưu đãi, ở mức 0,453%. Hiệu quả từ đợt phát hành trái phiếu xanh lần này cho thấy EC đang muốn tận dụng năng lực, huy động tiền trực tiếp trên thị trường tài chính để trở thành nhà phát hành trái phiếu xanh lớn nhất thế giới, một công cụ ngày càng phổ biến trong giới đầu tư.
Trái phiếu xanh là một khoản vay được phát hành trên thị trường, cho phép một công ty hoặc một tổ chức tài trợ cho các dự án góp phần vào quá trình chuyển đổi sinh thái (như năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng, quản lý bền vững chất thải và nước, sử dụng bền vững đất đai, giao thông sạch và thích ứng với biến đổi khí hậu...) và đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng.
Đợt phát hành này liên quan đến trái phiếu có kỳ hạn 15 năm, là một phần của kế hoạch phục hồi trị giá 750 tỷ EUR (866,6 tỷ USD) của châu Âu thời hậu Covid-19 và đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các hoạt động được kêu gọi mở rộng. Dự kiến, EC sẽ huy động từ 80-95 tỷ EUR (92-109 tỷ USD) mỗi năm từ 2022 đến 2026, trong đó có 25-30 tỷ EUR (28,8-34,6 tỷ USD) cho trái phiếu xanh (nếu tỷ lệ 30% thường xuyên được áp dụng).
Kế hoạch phục hồi của châu Âu quy định các quốc gia thành viên phải xác định rõ chi tiêu của họ có lợi cho quá trình chuyển đổi sinh thái và phải chiếm ít nhất 37% tổng giá trị. EC cũng tuyên bố số tiền huy động được trên thị trường theo cơ chế này sẽ không tài trợ cho các khoản đầu tư vào năng lượng hạt nhân, bởi lĩnh vực này không được công nhận là đóng góp vào chuyển đổi xanh. Nếu diễn ra thuận lợi, đây sẽ là công cụ giúp EU sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050.