Tôi từng nghe cha mình kể nhiều về tác giả của Áo trắng, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, được biết đến là một nhà văn hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại với những tác phẩm văn học nổi tiếng như Cửu Long cuộn sóng, Con trâu, Rừng U Minh, Tiểu thuyết cuộc đời, Sài Gòn ta đó... Áo trắng của ông, lấy bối cảnh đô thị miền Nam giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi ấy, đất nước ta đang trong cảnh chia ly, nhân dân sống trong áp bức. Trong bối cảnh đó, không thể không kể đến một lực lượng đấu tranh tiêu biểu: học sinh, sinh viên.
Qua tìm hiểu, tôi được biết, trong kháng chiến, tác phẩm từng được NXB Văn nghệ Giải phóng in và được chuyền tay nhau lưu hành trong các căn cứ cách mạng. Tác phẩm với sức hấp dẫn riêng, lại thêm phản ánh chân thực một giai đoạn lịch sử của Việt Nam, nên không chỉ hấp dẫn độc giả trong nước mà còn trở thành một trong những tác phẩm văn học của Việt Nam được “xuất ngoại” khá sớm (năm 1987). Tác phẩm được dịch sang tiếng Hàn Quốc thông qua bản dịch từ tiếng Anh và tiếng Nga. Vào tháng 7-2006, tác phẩm được dịch giả Bae Yang Soo dịch từ nguyên bản tiếng Việt.
Tiểu thuyết Áo trắng có nguyên mẫu từ 2 nhân vật nổi bật trong phong trào học sinh, sinh viên thời bấy giờ là nữ sinh Nguyễn Thị Châu từ Biên Hòa và anh Lê Hồng Tư từ Tiền Giang cùng lên Sài Gòn học. Hoàng mơ ước được tự do làm khoa học, Phượng mơ về một ngày trở thành cô giáo, y tá. Thế rồi, sau khi được giác ngộ cách mạng, bên cạnh việc học, họ còn ra sức đấu tranh vì độc lập đất nước, dân tộc. Ngoài những nhân vật tiêu biểu trong tiểu thuyết, độc giả còn bắt gặp bóng dáng của những điển hình khác làm nên muôn màu của lớp thanh niên đô thị miền Nam trong thời kỳ này: là cô tiểu thư, là cậu trai nghèo, hay kể cả những bạn trẻ của tầng lớp tiểu thư sản lúc đó. Điểm chung của họ là khi được lý tưởng soi sáng đều trở thành những con người can trường, mưu trí, hết lòng vì sự nghiệp chung. Lồng trong các sự kiện cuộc đấu tranh của các học sinh, sinh viên nội thành là sự phát triển của cách mạng miền Nam.
Tôi đã được tham gia buổi giao lưu ra mắt sách mới đây tại Đường sách TPHCM. Ông Lê Hồng Tư, nguyên mẫu nhân vật Hoàng, cho biết, vào năm 1964, nhà văn Nguyễn Văn Bổng nhân một chuyến vào Nam đã gặp bà Nguyễn Thị Châu để khai thác tư liệu, nhưng lần gặp này đã không thành vì bà Châu sợ lộ bí mật nên không dám kể. Đến năm 1969, trong một lần ra Hà Nội, đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ, bà Châu được Bác đề nghị kể chuyện. Sau đó, Bác Hồ cho gọi nhà thơ Tố Hữu tìm kiếm nhà văn viết lại từ câu chuyện của bà Châu. Thời điểm này, nhà văn Nguyễn Văn Bổng đang ở Hà Nội nên ông là người được chọn.
Áo trắng ra đời cách đây gần 50 năm. Mặc dù vậy, theo chia sẻ của ông Lê Hồng Tư, tác phẩm xuất bản lần đầu vào năm 1972 nhưng phải đến sau giải phóng, ông và bà Nguyễn Thị Châu mới được đọc tiểu thuyết về mình. Còn với thế hệ của tôi và các con tôi, Áo trắng là một hành trang không thể thiếu!