Sức hấp dẫn Festival Huế 2024

Không chỉ tạo nên mùa lễ hội mới cho Việt Nam, tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 còn trình làng hàng loạt chương trình nghệ thuật “đinh” và kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch mới đặc sắc, hấp dẫn để thu hút du khách bốn phương.

Người dân và du khách thoả sức thưởng thức nghệ thuật tại lễ hội đường phố
Người dân và du khách thoả sức thưởng thức nghệ thuật tại lễ hội đường phố

Thỏa sức thưởng thức nghệ thuật

Sau những đêm ngập tràn “bữa tiệc” nghệ thuật tại các sân khấu Đại nội Huế, người dân và du khách bước ra các trục đường chính của TP Huế lập tức bị cuốn hút ngay vào không khí lễ hội đầy sức sống. Hàng chục đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế từng bước "mê hoặc" khán giả qua các tiết mục biểu diễn tại lễ hội đường phố. Ấn tượng nhất là tại các trục đường ở TP Huế, các đoàn nghệ thuật biểu diễn trong không khí rộn ràng, giữa tiếng vỗ tay reo hò của người dân và du khách, khuấy động cả một không gian rộng lớn.

z5520646853017_f664e91ef2d94c265966231b8253c73f.jpg
z5520646855297_3e0d914f4bd9145155adeca832a32b62.jpg
z5520646872315_3793725059edb958dcc35ab83ed00f7d.jpg
z5520646880241_2b7d0ba618b40f84a9ed795a895f4f0a.jpg
Người dân và du khách thoả sức thưởng thức nghệ thuật tại lễ hội đường phố trong tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024

Tối 11-6, tại sân khấu cộng đồng Công viên 3/2, hàng ngàn công chúng và du khách phấn khích dõi theo màn trình diễn với các tiết mục đa dạng của đoàn Nghệ thuật Dân gian “Sae Nyuk” Hàn Quốc.

Với chủ đề “Gặp gỡ nghệ thuật truyền thống”, Đoàn Nghệ thuật dân gian “SaeNyuk” đã đưa nghệ thuật truyền thống xứ sở Kim Chi đến gần hơn với công chúng và khán giả Cố đô tại Festival Huế 2024. Với hình thức trình diễn đa dạng, từ nhảy múa, ca hát đến nhạc cụ gõ, diễn xuất, các nghệ sĩ, diễn viên của Đoàn Nghệ thuật dân gian “Sae Nyuk” đã nhận được sự yêu mến của công chúng, khiến khán giả mọi lứa tuổi vô cùng hào hứng.

Đoàn Nghệ thuật dân gian “Sae Nyuk” được thành lập vào năm 2016 và đặt trụ sở tại Chungcheongnam-do. Đoàn từng đại diện cho Hàn Quốc trong các buổi biểu diễn trên toàn thế giới, bao gồm các quốc gia như Đức, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Kyrgyzstan, Trung Quốc, Uzbekistan và Nga. Với khoảng 40 thành viên, đoàn hoạt động với cam kết kế thừa và làm sống lại các hình thức nghệ thuật truyền thống Hàn Quốc, điều chỉnh chúng phù hợp với thị hiếu khán giả đương đại.

Sôi động cùng nhóm nhảy Nine Family

Trong khuôn khổ Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024, tối 11-6, khán giả ở sân khấu Bia Quốc học đã được hòa mình vào không khí sôi động của âm nhạc cùng nhóm nhảy Nine Family cùng với những nhóm nhạc, nhóm nhảy trong nước và quốc tế.

Xây dựng một kịch bản chương trình với chủ đề Festival Hue Color, nhóm nhạc cho biết, ý tưởng của nhóm là không chỉ biểu diễn các tiết mục nhảy với nhiều thể loại mà còn kết hợp với các ca sĩ biểu diễn để lan tỏa thông điệp về một Huế đầy nhiệt huyết, năng động, tràn đầy năng lượng.

Trong không khí rất “nóng” từ sự cổ vũ hết mình của khán giả, nhóm nhảy Nine Family đã dùng sự năng động, trẻ trung của mình để truyền cảm hứng cho du khách đến Huế về những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại thông qua từng tiết mục.

Nguyễn Ngọc Anh, một khán giả trẻ chia sẻ: “Cách mà Nine Family thể hiện đã mang lại một bầu không khí hết sức sôi động. Nine Family không xa lạ với giới trẻ Huế, nhưng nếu đón xem nhiều buổi biểu diễn ở Tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024 thì sẽ thấy, Nine Family tạo ra một màu sắc mới góp phần làm cho các chương trình nghệ thuật của Festival Huế thêm đa dạng và hấp dẫn”.

Từng biểu diễn tại các kỳ Festival Huế trước đây, Nine Family mang một màu sắc rất riêng biệt, vũ đạo của họ đem lại cho người xem sự liên tưởng đến một cố đô hào phóng và lãng mạn. Mỗi thành viên của nhóm đều mang trong mình ngọn lửa đam mê nên mỗi lần biểu diễn, họ luôn cống hiến hết mình, cháy bùng năng lượng trẻ trung, nhiệt huyết. Nine Family thể hiện rất thành công tính cách ấm áp, nhiệt tình, chân thành và sôi động của Huế.

Cũng trong khuôn khổ Tuần lễ Festival Nghệ thuật quốc tế Huế 2024, 56 tác phẩm rồng được chế tác tinh xảo bằng gốm qua bàn tay của nghệ nhân Trần Độ (làng gốm Bát Tràng, Hà Nội) đã được giới thiệu đến công chúng.

z5520649868925_c5c19f43f507956b125c58778acc8e37.jpg
z5529706485534_23dcb063173faa55946cd0f35a7b0a8e.jpg
z5529706653899_a508a157010d0b7548287eac7aaa203a.jpg
Đại nội Huế lung linh về đêm trong tuần lễ Festival nghệ thuật quốc tế Huế 2024

Triển lãm được đặt tại không gian tầng 2 của điện Kiến Trung - Đại Nội. Gần 60 tác phẩm, trong đó đa số lấy từ hình tượng rồng được đúc trên ấn của Triều Nguyễn đã được Nghệ nhân nhân dân Trần Độ phóng tác một cách tinh xảo, với họa tiết, hoa văn đến mức hoàn chỉnh và sinh động. Qua bàn tay và sáng tạo của nghệ nhân Trần Độ, các tác phẩm rồng lại mang một vẻ đẹp mới của thông điệp tinh hoa tỏa sáng từ vẻ đẹp cổ xưa.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, để thể hiện thành công dòng sản phẩm rồng Việt, nghệ nhân Trần Độ đã trao đổi, tham khảo ở các bảo tàng và các đơn vị bảo tồn di tích như: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Qua đó, ông tham khảo được tài liệu và tiếp cận nguồn hiện vật, cổ vật liên quan đến hình tượng con rồng Việt qua các thời kỳ lịch sử. Đó là nguồn tài liệu vô cùng cần thiết để nghệ nhân bồi đắp tài nguyên sáng tạo.

Là một nghệ nhân nổi tiếng trong làng gốm Việt Nam, bao năm làm nghề, nghệ nhân Trần Độ đã kiên trì tìm cho sản phẩm của mình những nét riêng, mang đậm tinh hoa văn hóa dân tộc. Đến với Huế tham gia Festival, ông mang đến bộ sưu tập rồng gồm 57 tác phẩm, trong đó 56 tác phẩm trưng bày tại triển lãm, 1 tác phẩm đặt tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.

Một điều rất ý nghĩa nữa, bộ ấn được làm tặng cho Huế đúng vào năm Giáp Thìn – năm Rồng. Là năm mà Thừa Thiên Huế được kỳ vọng bứt phá trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Năm mà chúng ta cũng mong muốn cùng với sự phục hưng của văn hóa, rất nhiều các công trình di tích quan trọng như điện Kiến Trung được trùng tu phục hồi, điện Thái Hòa được trùng tu và điện Cần Chánh cũng sắp khởi công… Nhất là khi nó được đặt trong không gian hết sức đặc biệt – điện Kiến Trung, một công trình rất ý nghĩa mà Huế vừa hoàn thành trùng tu, phục hồi xong và bắt đầu đưa vào khai thác phát huy giá trị. Sau triển lãm này, nghệ nhân Trần Độ sẽ tặng lại cho Huế một số ấn liên quan Triều Nguyễn để tiếp tục trưng bày, lưu giữ.

Đêm giã bạn sẽ truyền hình trực tiếp trên 38 kênh truyền hình

Sau 6 ngày đêm diễn ra với nhiều chương trình, hoạt động hấp dẫn, tối nay (12-6) Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế chính thức bế mạc.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, với chủ đề “Về Huế Festival”, chương trình nghệ thuật bế mạc khép lại Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế 2024 được dàn dựng công phu, với 10 tiết mục đặc sắc, kết hợp với bắn pháo hoa nghệ thuật. Các tiết mục đan xen, cộng hưởng giữa truyền thống và hiện đại cùng với ứng dụng công nghệ 3D Mapping hiện đại hứa hẹn tạo nên bữa tiệc nghệ thuật hấp dẫn, lưu luyến cho người xem trong đêm nói lời chào tạm biệt và hẹn gặp lại trong các kỳ Festival Huế tiếp theo.

Chương trình dự kiến quy tụ gần 400 nghệ sĩ, diễn viên chuyên và không chuyên đến từ các đoàn nghệ thuật trong nước, như: Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Trị, Đoàn Nghệ thuật Kontum, Vũ đoàn Unity Huế, Vũ đoàn Alexander Tú, Liên đoàn xiếc Việt Nam,… và các đoàn nghệ thuật quốc tế: Đoàn Nghệ thuật Dân gian SaeNyuk Hàn Quốc, Vụ kịch Chiết Giang Trung Quốc.

Chương trình nghệ thuật bế mạc sẽ được trình diễn tại sân khấu điện Kiến Trung – Đại Nội Huế, vào lúc 20 giờ ngày 12-6 và được truyền hình trực tiếp đến 38 kênh truyền hình trong nước.

Tin cùng chuyên mục