Nhà Thiếu nhi TPHCM chú trọng việc tuyên truyền và phát huy những làn điệu âm nhạc dân gian trong sinh hoạt, tổ chức biểu diễn của các đơn vị trực thuộc NTN thành phố. Từ đó, chủ đề liên hoan ca múa nhạc dành cho thiếu nhi toàn thành năm nay được khuyến khích sáng tạo những ca khúc mang âm hưởng dân ca.
Dõi theo suốt liên hoan, hàng loạt câu hò, vè, điệu lý, bài ca cổ, bài dân ca ba miền Nam - Trung - Bắc và những sáng tác âm nhạc mới đã được các đơn vị dàn dựng khéo léo thành từng chủ đề xuyên suốt.
Nhà Thiếu nhi quận 10 với tiết mục “Hò hụi Bình Trị Thiên”
Anh Phạm Hồng Tuấn, thành viên ban tổ chức liên hoan, cho biết: “Ở các liên hoan trước đây, chúng tôi thường đưa ra chủ đề chung chung, bao quát. Năm nay, chủ đề đi sâu hơn về dòng nhạc dân gian, kể cả ca cổ, nhấn mạnh hò, vè, điệu lý. Trước khi liên hoan diễn ra, ban tổ chức đã tập huấn cho các đơn vị NTN 24 quận, huyện, thống nhất cách thức dàn dựng chương trình, chú trọng khâu biên tập, chọn bài để có thể ra được một chương trình đúng chủ đề và chất lượng; khuyến khích các cán bộ NTN quận, huyện tham gia với vai trò biên tập, đạo diễn, dàn dựng để nâng cao chuyên môn”.
Thực tế, mỗi NTN quận, huyện khi tham gia liên hoan đều phải nỗ lực tự thân vận động để có kinh phí xây dựng chương trình, nhất là khi chi phí phục trang, cảnh trí, hòa âm, phối khí tiêu tốn khá nhiều tiền. Tại liên hoan năm nay, kinh phí các chương trình được đầu tư từ 70 đến hơn 200 triệu đồng, kiến tạo một sân chơi âm nhạc dành cho thiếu nhi nhiều màu sắc, hoành tráng.
Ngoài ra, tại liên hoan có 10/15 ca khúc thiếu nhi mới, mang âm hưởng dân gian, do các nhạc sĩ của Hội Âm nhạc TPHCM sáng tác trong năm 2018 đã được các NTN sử dụng, dàn dựng, cho thấy hiệu quả sáng tạo âm nhạc thiếu nhi và đầu ra của các ca khúc thiếu nhi mới.
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc TPHCM, thành viên ban giám khảo liên hoan, tâm tư: “Đón đầu được sự thiếu hụt những ca khúc thiếu nhi mang âm hưởng dân ca, 2 năm trước, Hội Âm nhạc TPHCM đã lên kế hoạch và đầu tư tổ chức các chuyến thực tế sáng tác cho các nhạc sĩ. Tại liên hoan, rất nhiều ca khúc nhạc thiếu nhi mới mang âm hưởng dân ca được sử dụng. Sau liên hoan, Hội âm Nhạc TPHCM và Nhà Thiếu nhi TPHCM sẽ cùng phối hợp tổ chức hội thảo về âm nhạc thiếu nhi hiện nay, dự kiến vào tháng 9-2018. Sau đó, 2 đơn vị sẽ hợp tác thực hiện mỗi tháng một chương trình giới thiệu ca khúc thiếu nhi mới tại Nhà Thiếu nhi TPHCM, tạo điều kiện để các em thiếu nhi được giao lưu, có ý kiến về ca khúc mới. Riêng hội sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư tổ chức sáng tác các ca khúc dành cho thiếu nhi mang âm hưởng dân ca, dù chủ đề này không dễ và rất kén tác giả”.
Để các ca khúc thiếu nhi mang âm hưởng dân ca mới tiếp cận gần hơn với đời sống thiếu nhi thành phố, Hội Âm nhạc TPHCM cũng sẵn sàng làm nhạc in đĩa gửi tặng các NTN quận, huyện để có nguồn ca khúc mới. Cách làm này cũng giúp các NTN có thêm điều kiện thuận lợi để phát huy tốt hơn vai trò tổ chức biểu diễn.