Áp lực
Không ít bộ phim về ẩm thực của Hồng Công, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… ca ngợi công việc của những người đầu bếp vượt khó, đam mê tạo dựng sự nghiệp. Việt Nam cũng có một số phim sitcom đang trình chiếu nói về nghề đầu bếp. Chính phim ảnh đã và đang mang đến một luồng gió tươi mới, thay đổi cách nhìn nhận trước đây đầy thành kiến về việc nấu ăn chỉ dành cho phụ nữ, hoặc nghề ít tiền, kém sang…
Thực tế, nhiều đầu bếp nổi tiếng thế giới là đàn ông. Thế nhưng, theo bạn Nguyễn Trường Giang, đầu bếp chuyên về các món ăn Việt Nam tại một nhà hàng trên đường Tô Hiến Thành (quận 10, TPHCM), nghề này cực kỳ vất vả. Người nào phải thực sự đam mê mới làm được. Chỉ vào đôi bàn tay chằng chịt sẹo, Trường Giang hóm hỉnh cho rằng, đó là bài học đầu đời khi mới vào nghề cách nay 5 năm.
“Dù học ở trường lớp ra nhưng mới đầu đi làm vẫn phải lặt rau, rửa chén, bắt cá (một số loại cá có gai sắc nhọn đâm vào tay chảy máu, thậm chí mưng mủ), vặt lông gà…, sau đó mới dần dần từng bước chuyển sang đứng bếp, điều hành bếp. Vất vả nhưng vui và yêu nghề vô cùng”, Trường Giang tâm sự.
Hoàng Trường Dũng, đầu bếp tại một nhà hàng lớn trên đường Quang Trung (quận Gò Vấp), nói rằng nghề này vô cùng áp lực, nhất là vào mùa cao điểm lễ, tết… Thời điểm đó khách đổ về đông, thiếu người phục vụ, thiếu nguyên liệu, thực khách ồn ào, hối thúc liên tục.
Phục vụ đồ ăn cho khách thường phải đảm bảo về hình thức, chất lượng, thời gian, phải tỉ mỉ, cẩn trọng; tức là nghề này đòi hỏi sự cầu toàn. Chỉ cần một sai sót nhỏ dễ dàng khiến khách hàng phật ý, hờn dỗi không ăn là đầu bếp lãnh đủ trách nhiệm (doanh thu nhà hàng giảm, nguy cơ mất việc lớn).
Thêm nữa, có một điều tối kỵ của nghề bếp chính là yếu tố sức khỏe. Đầu bếp phải luôn khỏe mạnh, vui vẻ để có thể “xuất xưởng” những món ăn ngon, trình bày đẹp mắt, thu hút thực khách; đảm bảo không mang các loại bệnh có khả năng lây nhiễm cho cộng đồng…
Khát nhân lực
Trao đổi về xu hướng chọn nghề đầu bếp của giới trẻ, Tiến sĩ Lê Minh Thành, Phó trưởng Khoa Du lịch, Đại học Hoa Sen, cho biết ngành bếp rất khát nhân lực. Thực tế, khi ngành du lịch nước ta ngày càng phát triển, thu hút đông đảo du khách quốc tế đến Việt Nam, ẩm thực giữ vai trò cầu nối với du khách. Khách quốc tế thường bị sức “quyến rũ” của ẩm thực giữ chân, song song với danh lam, thắng cảnh nổi tiếng.
Thế nhưng, việc đào tạo nghề bếp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài đặt hàng các đầu bếp nổi tiếng để mở nhà hàng, chế biến các món ăn Việt Nam tại một số quốc gia trên thế giới.
Đối với Trường Đại học Hoa Sen, cuộc thi ẩm thực mở rộng mang tên “The Future Chef Contest 2019” đã thu hút khá đông bạn trẻ, trong độ tuổi từ 18-30 tham gia. Một số bạn trẻ đoạt giải các mùa trước được mời làm cố vấn đào tạo về nghề bếp cho sinh viên của trường. Tuy vậy, Tiến sĩ Lê Minh Thành cũng chỉ ra rằng, đây là một nghề đòi hỏi sự kiên trì, đam mê. Không phải bạn trẻ nào ra trường cũng làm được việc, mà cần sự theo đuổi, rèn luyện trong thời gian dài…
Chuyên gia ẩm thực Trần Thị Hiền Minh cho rằng nghề bếp ngày càng được tôn trọng, có thu nhập cao. Mức lương tối thiểu dành cho các bạn trẻ mới ra trường, chưa có kinh nghiệm dao động 6 - 7 triệu/tháng. Mức lương trung bình cho những người đi làm có kinh nghiệm khoảng 20 triệu đồng/tháng, ngoài ra đầu bếp còn có thêm tiền thưởng các loại. Riêng các nhà hàng, khách sạn lớn có yếu tố nước ngoài, lương đầu bếp khoảng 2.000 USD/tháng.
Đáng tiếc ở chỗ, nhiều bạn trẻ đi làm chỉ căn cứ ở mức lương hàng ngàn USD mà không xét đến khả năng của mình. Các bạn phải hiểu rằng, mọi thứ thường theo trình tự từ thấp đến cao, từ học việc mới lên quản lý, đừng mơ mộng quá kẻo thất vọng nhiều.
Bà Trần Thị Hiền Minh lưu ý: “Các nhà hàng, doanh nghiệp thường đau đầu khi tiếp nhận sinh viên mới ra trường, vì một số bạn làm việc tùy tiện, không thích làm là kéo luôn cả nhóm cùng nghỉ việc; không chú tâm làm một chỗ để trau dồi kinh nghiệm, đứng núi này trông núi nọ, nhảy việc liên tục… Nên chăng, các bạn cần trách nhiệm và ý thức về việc mình đang làm, trau dồi thêm ngoại ngữ, kỹ năng sống để tạo bề dày cho nghề của mình”.
Nhiều chuyên gia ẩm thực khẳng định, đầu bếp chẳng khác nào nghệ sĩ, bởi họ góp phần đánh thức cùng lúc nhiều giác quan của thực khách đối với món ăn. Do vậy, nghề bếp ngày càng được xã hội coi trọng, mà bằng chứng là hàng loạt các cuộc tranh tài trong lĩnh vực ẩm thực được tổ chức, thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia. Tại các đợt hướng nghiệp gần đây do các trường đại học, cao đẳng tổ chức, nghề bếp dành được sự ưu ái nhất định, bởi cơ hội làm việc tốt, thu nhập cao.