Xây dựng Đảng và nâng cao sức mạnh, niềm tin trong nhân dân về một Đảng cách mạng chân chính đã lãnh đạo đưa dân tộc ta, đất nước ta từ thân phận nô lệ đứng lên giành lấy chính quyền, chiến thắng mọi kẻ thù và phát triển như hôm nay là thành tựu rõ ràng nhất.
Niềm tin, sức mạnh từ nhân dân
Phải thấy được những thắng lợi lớn của đất nước 90 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ. Chúng ta đã thoát khỏi ách nô lệ hàng thế kỷ, đế quốc, phong kiến, phát xít, đưa lại một thắng lợi vẻ vang của cả dân tộc, làm nên sự thành công của Cách mạng Tháng Tám. Tiếp đến là 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ đầy khó khăn nhưng chúng ta đã biết cách huy động lực lượng, huy động sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, tranh thủ được sự chi viện của các nước XHCN, rồi sự ủng hộ của bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Nếu không có uy tín, không có tài lãnh đạo của Bác Hồ, của Đảng, thì làm sao có được sức mạnh ấy để chúng ta đánh thắng thực dân Pháp với chiến dịch Điện Biên Phủ. Rồi dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ với chiến lược vô cùng thâm hiểm của chúng, từ chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, chiến tranh phá hoại miền Bắc, đến chia rẽ, dùng người Việt đánh người Việt. Và dù đến nửa triệu quân Mỹ vào Việt Nam, đưa B.52 vào, nhưng cuối cùng ta vẫn thắng. Nếu không là sự lãnh đạo của Đảng, được dân tin yêu, hàng triệu người ra chiến trường, thì làm sao có được những thắng lợi vẻ vang ấy.
Khi đất nước ta được thống nhất, Đảng ta đã tổ chức được hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Hệ thống chính trị đã tập hợp được tất cả các tầng lớp nhân dân, tạo nên một sức mạnh to lớn. Đảng đã sáng suốt, đã quán triệt theo đường lối cách mạng của Bác Hồ. Hạnh phúc của đất nước ta là có Bác. Có Bác mới có Đảng. Bác đã đào tạo được lớp tiền bối quyết sống chết để giành lại độc lập cho dân tộc, từ đó tạo nên uy tín tuyệt đối trong lòng nhân dân. Các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, đến các đồng chí Tổng Bí thư sau này như Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự… đều do Bác đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng. Nhiều đồng chí sau này dù không trực tiếp được Bác đào tạo, bồi dưỡng nhưng đã học theo đường lối của Bác, học theo Di chúc của Bác. Những lớp cán bộ đó của Đảng được đào tạo đủ tầm, đủ uy tín trong nhân dân, mới làm nên được những việc lớn lao cho đất nước.
Để nhân dân lựa chọn cán bộ
Trung ương đã có lựa chọn, quy hoạch, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp theo tiêu chuẩn, trình độ như quy định. Tuy nhiên, cần quan tâm hơn nữa đến yếu tố nhân dân. Phải để nhân dân góp sức với Đảng trong lựa chọn cán bộ. Chỉ khi nhân dân tham gia lựa chọn cán bộ, tìm kiếm người tài thì mới có thể chính xác được. Nhân dân sẽ biết ai sống thế nào, lối sống, cách sống, đạo đức, phẩm chất, tính tiền phong, tính gương mẫu, tính cộng sản ra sao… Cụ thể là phải làm sao để MTTQ, các tổ chức thành viên đại diện cho nhân dân có điều kiện đóng góp thiết thực vào vấn đề phát hiện, giới thiệu những cán bộ tốt cho Đảng, từ đó mới có thể bồi dưỡng, đào tạo thành những cán bộ lãnh đạo có đức, có tài, có uy tín với nhân dân.
Cũng cần nói thêm, sau khi thống nhất được đất nước, Đảng ta cũng vấp váp, mắc phải những khuyết điểm, sai lầm. Đã có những việc làm hoàn toàn không đúng với quy luật phát triển, mang tính chủ quan, duy ý chí... Thế nhưng, từ Đại hội V, Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã hình thành những đường lối tìm hướng ra. Lịch sử phát triển cho thấy Đảng luôn cảnh tỉnh với những khuyết điểm, những điều trăn trở và những khó khăn, thử thách. Nếu như đội ngũ cán bộ của Đảng không giữ được phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, không giữ được tinh thần tiền phong, gương mẫu, cách mạng của mình thì không thể dễ dân tin mãi. Liên Xô và Đông Âu sụp đổ cho chúng ta bài học rất sâu sắc.
Đảng ta không chỉ khôn khéo, mà là rất giỏi khi đã quán triệt được tư tưởng của Bác trong lãnh đạo, biết vận dụng đường lối chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh của Việt Nam để sửa những khuyết điểm mà các đảng khác đã va vấp, biết tự mình từ thực tiễn của đất nước để định ra các chính sách, quyết sách phát triển đi lên. Đảng có những lần vấp váp nhưng bao giờ cũng tự phê bình. Có tự phê bình thì mới tìm được con đường mới, tập hợp, đoàn kết được nhân dân. Tự phê bình, tự sửa chữa những sai lầm, va vấp chính là xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đảng mạnh lên từ xử lý cán bộ sai phạm
Những năm kháng chiến khó như thế nhưng Bác đã viết bài “Sửa đổi lối làm việc”, để nhắc nhở đảng viên phải rèn luyện, tu dưỡng, phải sửa chữa, phải luôn luôn tự phê bình, khắc phục những khuyết điểm. Bác luôn coi xây dựng Đảng là trước tiên. Trong tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Bác cũng nhấn mạnh: “Cần - kiệm - liêm - chính - chí công - vô tư”. Chỉ khi nào làm đúng với tinh thần này thì chúng ta mới có thể giữ được Đảng vững mạnh, giữ được niềm tin trong nhân dân. Trước lúc ra đi, Bác để lại Di chúc như sự nhắc nhở rất nghiêm túc, nghiêm khắc, để toàn Đảng phải thấy. Bác nhấn mạnh đến việc trước hết là xây dựng Đảng, rồi phải quan tâm đến đời sống của nhân dân, nhất là nhân dân lao động còn nghèo khổ, có thế mới đoàn kết dân được. Bác nói đến xây dựng thế hệ trẻ, coi đội ngũ cán bộ nối tiếp đúng, vững thì mới giữ được Đảng tốt…
Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là những người lãnh đạo, nếu thấm nhuần những tư tưởng của Bác thì Đảng rất khó mắc những sai lầm, khuyết điểm lớn. Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng là dịp để Đảng ta soi rọi lại mình, thấy được những thành tựu to lớn từ sức mạnh của nhân dân, đồng thời cũng nghiêm túc thấy được những va vấp, khuyết điểm. Việc xử lý những cán bộ sai phạm trong công cuộc đấu tranh với tham nhũng theo tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII là để Đảng mạnh lên và không phải xử lý cán bộ thì Đảng sẽ bị ảnh hưởng, bị yếu đi sức chiến đấu. Không thể tránh né, không thể chậm trễ, vấn đề là làm sao để cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ ngày càng rõ hơn, mạnh lên; làm sao để cơ chế thị trường được vận dụng một cách tốt nhất vào thực tiễn của Việt Nam, có như vậy mới có thể đưa nước ta phát triển bền vững trong những chặng đường phía trước.