Bộ Công an đã chính thức triển khai Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy công an. Theo đó, sẽ tinh giảm 6 tổng cục, gần 60 đơn vị cấp cục, gần 300 đơn vị cấp phòng. Ở các tỉnh thành, thực hiện sáp nhập cảnh sát phòng cháy chữa cháy vào công an cấp tỉnh, giảm gần 500 đơn vị cấp phòng và gần 1.000 đơn vị cấp đội. Như vậy, tiếp sau việc giảm từ 35 xuống còn 30 đơn vị đầu mối và bãi bỏ gần 60% thủ tục hành chính ở Bộ Công thương, Bộ Công an là cơ quan trung ương thứ hai tiếp tục tiến trình tinh giảm bộ máy, thêm một “phát súng mở màn” cho chiến dịch lớn và đầy khó khăn này.
Thực tế những năm qua, việc phình to bộ máy quản lý nhà nước không chỉ xảy ra ở ngành Công an mà ở các cấp ngành toàn quốc. Như ngành tài chính, tuy ở cấp bộ sáp nhập được Tổng cục Hải quan thì ở cấp tỉnh, từ một sở tài chính lại “phân thân” thành ba cơ quan ngang sở: sở tài chính, cục thuế và kho bạc nhà nước, chưa kể bảo hiểm xã hội trực thuộc ngành dọc quản lý. Trong khi đó,“phong trào” chia tách địa giới hành chính dẫn tới hiện có 16 huyện, 637 xã có diện tích, dân số dưới tiêu chí và tăng biên chế hàng ngàn công chức, viên chức. Tất nhiên, không chỉ phình to biên chế nhân sự, mỗi lần “phân thân” huyện, xã kéo theo việc phân bố ngân sách xây dựng trụ sở làm việc, thành lập thêm các tổ chức Đảng, đoàn thể, tăng thêm đầu mối chi tiêu thường xuyên…
Có một nguyên nhân khác góp phần phình to bộ máy quản lý các bộ ngành là việc tồn tại hệ thống văn phòng, cơ quan đại diện tại TPHCM và Đà Nẵng. Trong bối cảnh thực hiện thông tin báo cáo, hội họp trực tuyến qua mạng, việc duy trì các cơ quan đại diện bộ ngành phía Nam liệu có cần thiết hay là thêm gánh nặng cho ngân sách vốn luôn bội chi? Hơn thế, còn có cả trăm trụ sở, nhiều ngàn mét vuông đất vàng mà các văn phòng đại diện này đang sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả càng gây lãng phí.
Có thể nói, từ cán bộ lãnh đạo đến dân thường, ai cũng nhận thức được ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội của chủ trương tinh giảm bộ máy quản lý nhà nước các cấp. Tuy nhiên, phải thừa nhận đây là một việc khó khăn, đụng chạm đến lợi ích nhiều tổ chức, con người. Như chủ trương sắp xếp lại hệ thống cơ quan đại diện các bộ ngành tại địa phương. Trước đây, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giao Văn phòng Chính phủ thực hiện dự án xây dựng một văn phòng đại diện chung cho tất cả bộ ngành ở số 5 đường Lê Duẩn, quận 1. Khi hình thành văn phòng này sẽ thu hồi, sắp xếp hoặc đem đấu giá các trụ sở văn phòng đại diện các bộ ngành nắm giữ, huy động một nguồn vốn lớn cho đầu tư phát triển. Đáng tiếc là, khi tòa nhà 21 tầng hiện đại, phục vụ mục đích tích cực trên hoàn thành xây thô cũng là lúc Thủ tướng Võ Văn Kiệt nghỉ điều hành Chính phủ. Sau đó, nó được giao cho Tập đoàn Dầu khí, kế hoạch “gom” cơ quan đại diện bộ ngành… bị “quên” luôn tới nay!
Trong những nguyên nhân chính dẫn đến phình bộ máy quản lý nhà nước và biên chế là tâm lý coi trọng quyền lực, chức tước trong hàng ngũ cán bộ công chức. Thêm đầu mối quản lý tức là thêm “ghế” lãnh đạo, thêm biên chế, thêm cơ hội lên chức, lên lương và cả thêm “cửa” cho nạn chạy chọt, xin xỏ, mua bán… Ngoài ra còn phải kể đến biểu hiện tiêu cực như: lãnh đạo phải để lại dấu ấn nhiệm kỳ, tranh thủ cất nhắc cấp dưới trước khi “hạ cánh”, thói cục bộ địa phương, ngành ta, dòng họ ta... Cho nên, cũng dễ hiểu, khi có chủ trương làm ngược lại là tinh giảm bộ máy, nhân sự đương nhiên sẽ có nhiều cản trở, thậm chí chống đối.
Phải chăng, cái khó nhất trong thực hiện tinh giảm bộ máy quản lý nhà nước hiện nay chính là phải đối mặt với sức cản của “người trong cuộc”, lo ngại mất “ghế”, mất quyền…? Cũng vì thế, để bảo đảm “Cuộc cách mạng về tổ chức” này thành công, đạt mục tiêu xây dựng một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, thiết nghĩ, các giải pháp triển khai thực hiện phải thể hiện được hai chữ K (kiên quyết và kiên trì) và hai chữ C (công tâm và công khai).