Sự cuốn hút của nghệ thuật sàn gỗ
Trên thị trường tổ chức biểu diễn nghệ thuật, giá vé các đêm cải lương ở nhiều đoàn hát xã hội hóa không hề rẻ khi so sánh với giá vé của một suất diễn kịch nói, hay xem phim. Các vở cải lương tuồng cổ có giá vé từ vài trăm ngàn đồng đến hơn 2 triệu đồng/vé. Tuy giá vé cao ngất nhưng vẫn rất đông khán giả đến xem những vở tuồng cổ, Hồ Quảng, hoặc chương trình sân khấu có sự tham gia biểu diễn của những ngôi sao cải lương thế hệ vàng và các nghệ sĩ tài năng thế hệ tiếp nối: Minh Vương, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Thanh Tuấn, Hồng Nga, Thanh Điền, Thoại Mỹ, Trọng Hữu, Phượng Hằng, Phượng Loan, Chí Linh, Vân Hà, Thanh Ngân, Trọng Phúc, Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân…
Ở nhiều chương trình, vở mới công diễn cháy vé, các đơn vị tổ chức biểu diễn phải sắp thêm “ghế xúp” hoặc lên lịch các đêm diễn tiếp theo để đáp ứng nhu cầu khán giả mộ điệu. Việc cập nhật thông tin thường xuyên trên các kênh truyền thông như Facebook, Fanpage, hay tổ chức bán vé online, giao vé tận nhà… đã giúp người làm sân khấu truyền thống ngày nay bớt lo chuyện kiếm khán giả.
Sân khấu tuy không còn ở giai đoạn hoàng kim, hoạt động tổ chức biểu diễn có nhiều trở ngại về điều kiện cơ sở vật chất, chi phí đầu tư, nhưng sức cuốn hút của nghệ thuật sân khấu sàn gỗ vẫn luôn bền vững. Trong 5 năm hoạt động, sân khấu Chí Linh - Vân Hà liên tục đầu tư dựng các vở tuồng cải lương dân gian và Hồ Quảng, các suất hát được khán giả ủng hộ nồng nhiệt, trong đó có nhiều vở tái diễn nhiều lần.
NSƯT Vân Hà cho biết: “Sân khấu dựng, diễn các tuồng Hồ Quảng và cải lương dân gian theo nhu cầu giải trí của số đông khán giả. Tuy còn nhiều khó khăn, eo hẹp về kinh tế, nhưng khi bắt tay làm nghề, chúng tôi tâm niệm phải làm thật tử tế, chỉn chu, chất lượng, để đáp lại tình yêu thương mà khán giả dành cho sân khấu”.
Tôn trọng nghề, tôn trọng khán giả
Đạo diễn, NSƯT Hoa Hạ chia sẻ: “Việc đầu tư làm sân khấu hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nhưng, đã không làm thì thôi, làm thì phải đầu tư dựng vở sao cho chỉn chu, hấp dẫn để thu hút khán giả. Đó là cách làm nghệ thuật tôn trọng nghề và tôn trọng khán giả”.
Chính vì sự đòi hỏi rất cao trong công việc của đạo diễn Hoa Hạ nên mỗi lần nhận lời dựng vở cho sân khấu cải lương của nghệ sĩ Kim Ngân, hay sân khấu Đại Việt Mới của soạn giả Hoàng Song Việt, các vở diễn đều hấp dẫn từ nội dung kịch bản đến hình thức trình diễn. Mặt khác, dù là các vở tuồng cải lương kinh điển, cổ truyền, nhưng trong bản dựng mới vẫn toát lên được sự hiện đại và năng động của nhịp sống nghệ thuật hôm nay.
Nghệ sĩ Bình Tinh (Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long) bộc bạch: “Tôi thường chọn dựng những vở tuồng của mẹ - nữ nghệ sĩ, soạn giả Bạch Mai. Đó là những tác phẩm sân khấu cải lương nổi tiếng, đã đi vào lòng khán giả qua bao thập niên qua. Khi tái dựng những vở diễn xưa, tôi cố gắng thêm ý tưởng phá cách, làm mới trong dựng và diễn, để cuốn hút được khán giả hôm nay, nhưng luôn tôn trọng kịch bản gốc”.
Là đoàn cải lương xã hội hóa quy tụ nhiều bạn trẻ theo đuổi nghệ thuật tuồng cổ, nên khi đầu tư tuồng mới, NS Bình Tinh cố gắng tạo sự cuốn hút cho các suất hát bằng việc mời thêm những cô chú, anh chị nghệ sĩ tên tuổi của sân khấu thành phố cùng tham gia biểu diễn.
“Tôi cố gắng duy trì hoạt động đoàn hát vì bản thân quá yêu nghề, hơn nữa là vì mục đích duy trì hoạt động đoàn cải lương của dòng tộc. Vậy nên, có việc thì cứ lao vào làm, dựng và diễn, không thể đặt nặng tính toán chuyện thua lỗ của đoàn hát để quyết định nên sáng đèn hay không”, nữ nghệ sĩ nói thêm.
Những ngày cuối tuần, đi một vòng các sân khấu cải lương xã hội hóa, thấy các vở diễn đông khán giả tới xem. Khán giả Trần Huỳnh Minh (ngụ huyện Hóc Môn) tuần nào cũng đưa người thân đi xem cải lương tuồng cổ, nói: “Cải lương vẫn sống tốt nếu đi đúng hướng như hiện nay, đó là kết hợp giữa các vở diễn cũ, có sức sống với cách dàn dựng mới, hiện đại và cập nhật công nghệ. Tôi tin rằng những khán giả như chúng tôi sẽ không thất vọng khi hàng chục năm trời vẫn một lòng thủy chung với cải lương”.