Mười năm trước, ông Út Ù ở huyện Thoại Sơn (An Giang) băn khoăn khi chính quyền địa phương đề nghị gia đình ông phá bỏ ranh ruộng để nhập cánh đồng nhỏ của ông thành ô ruộng lớn. Như bao nhiêu người nông dân khác, ông Út Ù lo ngại rồi đây đất đai sẽ ra sao, bao nhiêu công sức, mồ hôi và nước mắt đổ xuống cánh đồng này có còn là của mình?
Hiểu nỗi lo lắng ấy, chính quyền huyện Thoại Sơn lúc đó cam kết với bà con: Đất đai là của bà con, huyện chỉ muốn đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Vận động, rồi thảo luận, bàn tán, một mảnh ruộng chưa đến 10ha mà có đến 20 chủ. Ai cũng muốn làm theo kiểu của mình. Nhưng rồi, sau khi đã cảm nhận được sức mạnh từ hợp tác kiểu mới, bà con ai cũng tự nguyện phá ranh đất. Đến khi chiếc máy sạ hàng đầu tiên kéo về thay cho cách gieo trồng truyền thống, ai cũng ngỡ ngàng.
Niềm vui chưa dừng lại ở đó, khi âm thanh của tiếng máy gặt đập liên hợp chạy rầm rập trên cánh đồng, cũng là lúc nông dân huyện Thoại Sơn tưng bừng đón niềm vui được mùa. Lúa gạo thu hoạch xong, có doanh nghiệp đến bao tiêu sản phẩm. Bà con không còn vất vả một nắng hai sương để lo mang lúa về nhà, chất đống chờ giá.
Đúng vào thời điểm đó, Nghị quyết lần thứ VII của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ra đời. Khu vực này chiếm gần 70% dân số và khoảng 40% lực lượng lao động của cả nước. Sau 10 năm thực hiện, Nghị quyết Trung ương 7 khóa X đã khẳng định đây là một quyết sách đúng đắn, có tầm chiến lược và mang tính đột phá. Nghị quyết được triển khai đồng bộ, nghiêm túc, sâu rộng; đồng thời huy động cả hệ thống chính trị và người dân tham gia, mang lại luồng sinh khí mới cho phát triển tam nông trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Điều này được thể hiện rõ nét qua 10 năm, đó là sản xuất quy mô lớn, chuyển từ nhỏ lẻ sang liên kết, hợp tác, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật… Xuất khẩu lúa gạo, tôm cá, trái cây dần chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu quốc gia; nhiều mặt hàng nông sản chiếm vị trí đứng đầu thế giới….
Dự kiến, đến năm 2020 các chỉ tiêu đạt và có khả năng đạt là nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn gấp trên 2,5 lần so với hiện nay (năm 2017 đạt khoảng 32 triệu đồng/người/năm, tăng 3,49 lần so với năm 2008). Lao động nông nghiệp còn khoảng 30% lao động xã hội (năm 2017 đã giảm còn 40,1% và đến tháng 6-2018 còn 38,6%). Số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 50% (dự kiến sẽ đạt trên 50%). Nâng hiệu suất sử dụng các công trình thủy lợi lên trên 80% (năm 2017 hiệu suất phục vụ tưới đạt 78%, hiệu suất phục vụ tiêu đã đạt 90,2%).
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, trong tương lai, nông dân sẽ đối mặt với 4 vấn đề lớn là “4 nhà đứng chung quanh mình”. Theo đó, nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy sau khi thu hoạch mùa vụ, nông dân phải trang trải: nhà mình: Chi tiêu hàng ngày, chữa bệnh và học hành cho con cái; nhà hàng xóm: Đám tiệc, hiếu, hỷ và quan hệ xóm làng; nhà vật tư: Ứng trước vật tư sản xuất và trả lại sau khi thu hoạch mùa vụ; nhà băng: Vay vốn sản xuất đầu vụ hoặc chi tiêu gia đình và trả nợ cuối vụ. Do thu nhập thấp và trang trải 4 nhà này dẫn đến tích lũy để tái sản xuất rất thấp. Thí dụ, tích lũy trung bình hộ tại An Giang chỉ đạt hơn 200.000 đồng/tháng. Vì thế, hiện nay nông dân có xu hướng bán lúa tươi tại đồng và mua gạo ăn hàng ngày. Như vậy, nếu giá lương thực tăng cao người trồng lúa sẽ không có tiền mua gạo để ăn. Quan trọng hơn, hàng hóa từ công nghiệp và dịch vụ chảy về nông thôn luôn có giá cao, trong khi hàng hóa từ nông thôn chảy ra thành thị giá luôn thấp.
Do các áp lực trên, nông dân chỉ có 4 bước. Bước ra: Đối với hộ ít đất, thiếu vốn, kỹ thuật, quản lý kinh tế hộ kém phải bán đất và tìm nghề khác. Bước vào: Đối với hộ có vốn, có kỹ thuật và kỹ năng quản lý sẽ tích tụ ruộng đất để phát triển trang trại. Bước lên: Nếu thiếu vốn, thiếu kỹ thuật nhưng có đất sản xuất, nông dân tham gia hình thức tổ chức kinh tế hợp tác, HTX, hoặc cổ phần hóa đất và lao động với doanh nghiệp để phát triển. Bước xuống: Do không thể thực hiện 3 bước trên, nông dân sẽ trở thành người thất nghiệp và nghèo khó ở nông thôn. Hiện tượng này ở ĐBSCL xảy ra ngày càng nhiều do kinh tế nông thôn kém phát triển, kéo theo việc di dân tìm việc ở các thành phố với mức lương thấp và phải đối mặt với giá sinh hoạt cao.
ĐBSCL có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu. Lúa gạo, trái cây và thủy sản là ngành hàng nông nghiệp rất quan trọng. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã khẳng định “Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn là mục tiêu, thách thức rất lớn mà toàn Đảng, toàn dân phải thực hiện trong nhiệm kỳ 2016-2020”. Để thực hiện chủ trương này cần giải quyết các hạn chế đối với nông dân (sản xuất nhỏ, năng lực quản lý kém), nông nghiệp (giá trị kém, tính cạnh tranh thấp), nông thôn (lạc hậu và tổn thương cao do biến đổi khí hậu và tình trạng ngày càng khan hiếm đất nông nghiệp). Muốn vậy phải đánh giá và dự đoán được nhu cầu thị trường hiện tại và tương lai nhằm đề xuất chiến lược phát triển các ngành hàng nông, thủy sản chủ lực. Về kỹ thuật, phải hỗ trợ thực thi quy hoạch vùng sản xuất, lai tạo và chọn lọc giống thích nghi đồng thời xác định được gói giải pháp kỹ thuật canh tác và sau thu hoạch cho lúa, trái cây, thủy sản.
Nông dân phải được nâng cao kỹ năng về kỹ thuật, tổ chức quản lý sản xuất gắn với thị trường và nghề phi nông nghiệp trong tiến trình chuyển dịch lao động. Thực tiễn cho thấy phát triển được liên kết 4 nhà theo chuỗi giá trị gia tăng các mặt hàng chủ lực, lồng ghép và nâng cao các hình thức liên kết sản xuất sẽ mang lại hiệu quả cao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết lần thứ VII của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã chỉ ra.
TRẦN MINH TRƯỜNG