Địa danh Thủ Đức vốn dĩ đã trở nên thân thuộc với người dân thành phố. Năm 1911, tỉnh Gia Định được chia làm 4 quận Thủ Đức, Nhà Bè, Gò Vấp, Hóc Môn. Sau ngày đất nước thống nhất, Thủ Đức là huyện ngoại thành của TPHCM. Năm 1997, huyện Thủ Đức được phân chia thành 3 quận (2, 9, Thủ Đức).
Kế thừa lịch sử địa danh, đến nay, Thủ Đức xuất hiện với tư cách mới, là một thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương đầu tiên trong cả nước. Trong hệ thống mạng lưới đô thị quốc gia, TP Thủ Đức là đô thị loại 1 trực thuộc TPHCM.
TP Thủ Đức đang bước vào một giai đoạn phát triển mới trong tâm thế mới và nhiệm vụ mới rất lớn lao. Đây là thành phố có vị trí rất quan trọng, là cửa ngõ tiếp giáp với các địa phương trong vùng kinh tế năng động Đông Nam bộ (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu…) và giữ vai trò kết nối với sân bay Long Thành, cảng Cái Mép - Thị Vải.
Bản thân TP Thủ Đức có nhiều tiềm năng hiện hữu như Khu công nghệ cao với kim ngạch xuất khẩu chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của TPHCM. Khu vực này còn có Làng Đại học, chủ lực là Đại học Quốc gia TPHCM, là nơi cung ứng nguồn nhân lực và các sản phẩm nghiên cứu khoa học. TP Thủ Đức còn có Khu đô thị mới Thủ Thiêm - nơi sẽ đặt trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.
Như vậy, chỉ trong khu vực này đã hội tụ 3 trục chủ lực gồm công nghệ cao, nguồn nhân lực và đô thị mới với trung tâm tài chính. Với 3 trục chủ lực sẵn có và đang có đà phát triển mạnh mẽ, TP Thủ Đức sẽ là trung tâm kết nối, động lực tăng trưởng mới cho không chỉ TPHCM mà còn cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Sự thành lập TP Thủ Đức cũng không phải đơn thuần chỉ là hợp nhất 3 quận. TPHCM có khát vọng lớn hơn thế. TPHCM đã ấp ủ thành lập TP Thủ Đức từ nhiều năm qua và giờ đây, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, các thế mạnh của TP Thủ Đức được TPHCM xác định là các tiền đề rất quan trọng để hình thành một khu đô thị sáng tạo, tương tác cao.
Cùng với thành lập TP Thủ Đức, TPHCM đã xây dựng đề án hình thành và phát triển đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TPHCM với ranh giới chính là TP Thủ Đức. Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao được định hình với 8 trung tâm quan trọng và được quản lý bởi một đơn vị hành chính với bộ máy hành chính thống nhất, đồng bộ - TP Thủ Đức.
TPHCM đã chủ động tổ chức thành công thi tuyển quốc tế về ý tưởng thiết kế quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao và chọn được đơn vị đạt giải nhất. Vấn đề còn lại là phải chuẩn bị thật tốt công tác quy hoạch.
Ngoài ra, TPHCM cần chuẩn bị nguồn lực tài chính để đảm bảo đầu tư đồng bộ về hạ tầng giao thông, kinh tế, xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đề ra; thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
TP Thủ Đức cũng cần trở thành mô hình đổi mới quản trị công hiệu quả, tinh gọn, phục vụ nhanh chóng, chuyên nghiệp nhất đối với các nhu cầu của người dân, doanh nghiệp ở một đô thị hiện đại. Những cơ chế, chính sách đặc thù với TP Thủ Đức mà TPHCM đang nghiên cứu hướng tới tháo gỡ các “điểm nghẽn”, giải quyết thuận lợi hơn các vấn đề đặt ra.
Có thể nói, TP Thủ Đức - đô thị sáng tạo là nước cờ đôi hết sức sáng tạo, táo bạo của TPHCM nhằm đưa nơi đây trở thành “hạt nhân” thúc đẩy kinh tế. Với những chuỗi giá trị gia tăng được thiết lập trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế; với sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho nghiên cứu khoa học, quá trình khởi nghiệp sáng tạo và sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; với khu đô thị sáng tạo, tương tác cao có không gian xanh - sạch - đẹp, TP Thủ Đức chắc chắn sẽ tạo ra sức bật mới cho kinh tế, đi đầu trong đổi mới sáng tạo và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Tôi cũng có niềm tin rằng, từ đây sẽ hình thành nên một trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, khoa học công nghệ… của TPHCM, đóng góp khoảng 30% GRDP của TPHCM, tương đương 7% GDP cả nước. Đồng nghĩa, TP Thủ Đức sẽ giữ vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của tương lai.
Bất kỳ một cuộc thay đổi nào cũng luôn luôn ẩn chứa những thuận lợi và cả những khó khăn. Nhưng tương lai TP Thủ Đức chắc chắn sáng rõ hơn, tích cực hơn, bởi có sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của doanh nghiệp và đồng lòng của người dân, cùng chung tay hiện thực hóa TP Thủ Đức thành một “cực” tăng trưởng mạnh mẽ nhất, lớn nhất của TPHCM và khu vực giữa thời điểm cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM