Xanh hóa những dòng kênh đen
Cuối năm 2011, TPHCM khởi công lắp đặt cống hộp đoạn từ đường Âu Cơ (Tân Phú) đến cầu Hòa Bình (quận 11) dài 3km và cải tạo 7,4km tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm, 12km đường được làm mới. Mục tiêu của dự án là mở rộng kênh, nắn dòng chảy, nạo vét bùn, đắp bờ kênh, xây tường ngăn lũ, cải tạo đường rộng từ 6-20m, xây mới 10 cầu qua kênh, chỉnh trang 4 khu cảnh quan dọc tuyến, với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng. Sau 10 năm thực hiện dự án, đã có hơn 7 triệu người dân thành phố hưởng lợi từ công trình này.
Từ sự thành công của dự án này, cũng như dự án kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam (cơ quan tài trợ vốn cho dự án), đã đánh giá cao việc hoàn thành sớm nhất dự án. WB đang tiếp tục triển khai dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát (quận 8, 12, Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh và Bình Chánh). Theo WB đánh giá, sự hợp tác giữa WB và TPHCM đã trở thành điển hình tốt cho các địa phương khác cùng thực hiện.
Ngoài các dự án trên, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã tập trung các nguồn lực để đầu tư hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình giao thông trọng điểm, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông, tạo thông thoáng tại các khu vực Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, Cây Gõ, Lăng Cha Cả, ngã 6 Gò Vấp... Đưa vào sử dụng hàng loạt công trình giao thông quan trọng như đường Phạm Văn Đồng, đường Trần Não, đường vào cảng Phú Hữu, đường Phan Văn Trị, đường nối từ đường Nguyễn Văn Hưởng đến Xa lộ Hà Nội, cầu Phú Hữu trên đường Vành đai 2, cầu vượt ngã tư Gò Mây…
Nhiều dự án trọng điểm về đích
Một dự án trải qua muôn vàn khó khăn, hiện cũng đang trong giai đoạn nước rút tiến về đích, để kịp khai thác vào cuối năm 2021 là tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Hiện tại, dự án đã hoàn thành khoảng 77% khối lượng công trình. Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, các hạng mục chính đến nay đã cơ bản hoàn thiện. Mục tiêu phấn đấu đưa dự án vào vận hành khai thác cuối năm 2021. Người dân thành phố đang mong chờ, nhất là hình dáng đoàn tàu metro đầu tiên cập cảng Việt Nam.
Để đồng bộ hệ thống cầu - đường, UBND TPHCM chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, như nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, cầu Thủ Thiêm 2, Vành đai 2 (đoạn từ nút giao thông Gò Dưa đến đường Phạm Văn Đồng)... Song song đó, hoàn tất các thủ tục để triển khai đầu tư một số công trình như đường Vành đai 2 - đoạn 3, 4, xây dựng hoàn chỉnh nút giao An Phú, xây dựng cầu vượt thép Ngã tư Bốn Xã…
Theo các chuyên gia về giao thông, mặc dù thành phố triển khai hàng chục dự án nhưng khả năng huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt chưa có hệ thống đường vành đai hoàn chỉnh, chưa đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các nút giao thông quan trọng, các tuyến đường trục chính nội đô... Chi phí giải phóng mặt bằng rất lớn và mất rất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục trước khi thu hồi và bàn giao mặt bằng để triển khai thi công. Bên cạnh đó, một số dự án theo hình thức đối tác công - tư PPP chưa thể triển khai; việc đầu tư theo hình thức PPP tại Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, quy định thủ tục pháp lý chưa rõ ràng, nên có thời điểm TPHCM chậm triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức này.
Sở GTVT TPHCM đang xây dựng đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố đến năm 2030; trong đó, tập trung đầu tư các dự án như khép kín Vành đai 2, Vành đai 3, xây dựng các tuyến đường sắt đô thị (metro số 1, 2, 3b, 5), đường trên cao số 1 và số 5, các tuyến quốc lộ theo quy hoạch, các công trình hạ tầng giao thông kết nối khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cảng Hiệp Phước và một số nút giao thông trọng điểm, các tuyến cửa ngõ thành phố. |