Giấc mơ hơn một thập niên
Sau rất nhiều nỗ lực của các đơn vị, ngày 8-10-2020, đoàn tàu đầu tiên của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (số 1) đã chính thức cập cảng TPHCM và được vận chuyển về khu vực depot quận 9 ngay trong đêm. Quý 1-2021, đoàn tàu được vận hành thử nghiệm trong depot; dự kiến quý 3-2021 vận hành thử nghiệm từ depot đến Bình Thái; và quý 4 vận hành thử nghiệm từ depot đến Tân Cảng và cuối cùng là toàn tuyến cùng với việc thử nghiệm vận hành 11 hệ thống khác như: hệ thống điện, hệ thống thông tin tín hiệu, đường ray... Từ thời điểm này, công tác sản xuất, kiểm tra và nhập các đoàn tàu tiếp theo về Việt Nam được tăng tốc theo tiến độ thực hiện của dự án.
Theo dõi từng hạng mục công trình từ những ngày đầu xây dựng tuyến metro số 1, ông Huỳnh Thanh Trí, ngụ gần ngã tư Thủ Đức, tâm sự: “Một cảm giác vui mừng không tả xiết. Sau bao năm chờ đợi, nay tuyến metro đang dần về đích. Tôi thấy tự hào khi thành phố mình đã có hệ thống giao thông công cộng hiện đại như các nước trên thế giới. Hy vọng ngày khánh thành, tôi sẽ là một trong những hành khách đầu tiên được trải nghiệm”. “Hơn mười năm với biết bao khó khăn, công trình mang tính biểu tượng mới của TPHCM đã thành hình. Là công dân thành phố, tôi rất tự hào. Đây cũng là cơ hội để chúng ta phát triển mạnh về kinh tế, du lịch… Hy vọng chuyến tàu đầu tiên đưa vào vận hành sẽ là “bàn đạp” để thành phố thực hiện nhanh nhiều tuyến khác, tạo thành hệ thống giao thông công cộng hiện đại giúp người dân đi lại thuận lợi, nhất là giảm ùn tắc giao thông”, anh Nguyễn Minh Thành, nhà dọc xa lộ Hà Nội, phấn khởi.
Tiến tới đô thị thông minh
Đô thị thông minh trước hết hạ tầng giao thông phải đồng bộ, các tuyến metro là nòng cốt không thể thiếu, để đáp ứng nhu cầu hoạt động của những siêu đô thị trên thế giới. TPHCM không nằm ngoài thông lệ đó, vì vậy không chỉ người người dân mà chính quyền thành phố cũng mong chờ từng ngày tuyến metro số 1 được đưa vào sử dụng. Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM đặt mục tiêu đường sắt đô thị (metro) đưa công trình vào khai thác cuối năm 2021. Trong khi đó, tuyến metro Bến Thành - Tham Lương (số 2) cũng nỗ lực hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, khởi công trong năm 2021.
Trưởng Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, đi liền với hệ thống metro, hàng loạt công trình nối tiếp được triển khai, với mục tiêu biến khu vực trung tâm thành biểu trưng cho nhịp sống sôi động của TPHCM. Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành dưới quảng trường Quách Thị Trang và dọc đường Lê Lợi, quận 1 được kỳ vọng hoàn thành cùng thời điểm với metro số 1. Dự án có vốn đầu tư hơn 6.800 tỷ đồng, quy mô khoảng 45.000m2, gồm khu vực cửa hàng, thương mại 18.100m2, hành lang và quảng trường ngầm 21.500m2. Trung tâm thương mại này sẽ kết nối với không gian đô thị xung quanh như các tuyến đường Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tòa nhà lân cận, thiết lập chuỗi phố thương mại quốc tế liên hoàn, thúc đẩy dịch vụ chất lượng cao khu trung tâm.
Song song đó, cầu Thủ Thiêm 2 đang dần về đích, là một công trình cấp đặc biệt của thành phố, nối quận 1 và 2, dài hơn 1,4km với 6 làn xe. Với thiết kế chiếu sáng mỹ thuật, công trình là điểm nhấn kiến trúc nổi bật trên sông Sài Gòn về đêm. Đây cũng là biểu tượng cổng chào từ trung tâm TPHCM qua Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo ông Bùi Xuân Cường, các công trình trọng điểm khi hoàn thành sẽ kiến tạo diện mạo mới cho khu trung tâm. Sự chuyển đổi giúp khu lõi của TPHCM trở nên thân thiện hơn với người đi bộ, tạo liên kết tốt hơn giữa các tòa nhà thương mại, dịch vụ và các công trình di sản văn hóa, kết nối với bên kia sông Sài Gòn là Khu đô thị mới Thủ Thiêm tạo đà phát triển mạnh mẽ về phía Đông TPHCM; kỳ vọng sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng, góp phần giúp TPHCM phát triển vượt bậc trong tương lai gần.