Hiệu quả thực
Dự án “Triển khai KCN sinh thái tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCN sinh thái toàn cầu” được phê duyệt, triển khai thực hiện từ tháng 5-2020 và sẽ kết thúc vào ngày 30-4-2024. Một số KCN tham gia như KCN Hiệp Phước (TPHCM), Đình Vũ (TP Hải Phòng), Trà Nóc 1 và 2 (TP Cần Thơ), Amata - Biên Hòa (Đồng Nai), Hòa Khánh (TP Đà Nẵng). Tổng kinh phí triển khai dự án từ 2020-2024 là hơn 1,8 triệu USD, do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) tài trợ. Dự án có mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế, môi trường và xã hội của ngành công nghiệp, lồng ghép quy định để phát triển mô hình KCN sinh thái trong các cơ chế, chính sách có liên quan.
Thực hiện dự án này, Bộ KH-ĐT và UNIDO đã hợp tác để hỗ trợ chuyển đổi các KCN hiện có sang KCN sinh thái với 603 giải pháp sản xuất sạch hơn và hiệu quả tài nguyên. Trong đó 217 giải pháp đã được 88 doanh nghiệp triển khai, góp phần tiết kiệm khoảng 2,9 triệu USD thông qua việc giảm tiêu thụ năng lượng, tài nguyên và vật liệu, giảm 8.910 tấn CO2/năm.
Theo ông Lê Thành Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ KH-ĐT, trong quá trình triển khai, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19 nhưng về cơ bản dự án đã hoàn thành các mục tiêu đề ra ban đầu. Cụ thể là việc khuyến khích phát triển và lồng ghép KCN sinh thái trong thể chế, chính sách; xác định và triển khai thực hiện các cơ hội KCN sinh thái nhằm đem lại lợi ích môi trường, lợi ích kinh tế và xã hội cho doanh nghiệp trong các KCN.
Theo ông Lê Thành Quân, năm 2015, khi bắt đầu triển khai dự án thí điểm KCN sinh thái tại Việt Nam, đây là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ. Đến nay, mô hình này đã được thể chế hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật, cao nhất là ở cấp Nghị định của Chính phủ; lồng ghép vào nhiều chính sách quan trọng của quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam và đang tiếp tục được hoàn thiện. Đây là kết quả quan trọng, đặt nền tảng triển khai thực hiện chuyển đổi cũng như xây dựng mới các KCN theo mô hình sinh thái tại Việt Nam.
Cần hỗ trợ về chính sách
Tại các hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp, các KCN, nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến chuyển đổi xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại các KCN.
Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền (TP Hải Phòng), cho biết, nhờ chuyển đổi xanh, trong giai đoạn dịch Covid-19 và hậu dịch bệnh, tại KCN này doanh nghiệp không bị suy giảm sản xuất mà còn tăng trưởng tốt. Điều đó mang lại động lực rất lớn, cho thấy “trái ngọt” của việc đầu tư cho kinh tế tuần hoàn về lâu dài. Tại đây, các loại rác thải như xỉ thép cũng có thể tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp. Với mô hình cộng sinh công nghiệp, phế liệu được sản xuất trở thành các sản phẩm phụ trợ, linh kiện ngành điện… Theo ông Điệp, năng lượng tái tạo đóng vai trò rất quan trọng, cụ thể là việc lắp đặt điện mặt trời tại khu vực nhà xưởng để thay thế năng lượng hóa thạch. Tuy nhiên hiện nay việc này vẫn chưa được phép. “Nếu có chính sách nhà nước, tôi tin rằng năng lượng tái tạo sẽ tạo giá trị gia tăng lớn cho doanh nghiệp. Vì khi năng lượng sạch thay thế cho năng lượng hóa thạch, chúng ta có thể giảm phát thải, bán được tín chỉ carbon, rất có lợi”, ông Điệp nói.
Đồng tình, ông Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Phát triển Kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TPHCM) nhận xét, thành công của các sáng kiến cộng sinh công nghiệp phần lớn phụ thuộc vào môi trường chính sách. Theo ông, vai trò dẫn dắt của nhà nước là hết sức quan trọng, cần lồng ghép vào chiến lược phát triển của địa phương. Chia sẻ thêm về quyết tâm của TPHCM, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết, năm 2024, TPHCM sẽ tổ chức Diễn đàn Kinh tế thành phố với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM”. Đồng thời, thí điểm chuyển đổi 5 KCN-KCX theo hướng sinh thái và công nghệ cao; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá về kinh tế tuần hoàn ở cấp độ thành phố/KCN/doanh nghiệp.
Ở góc độ vĩ mô, ông Nguyễn Ánh Dương, Trưởng ban nghiên cứu chính sách kinh tế vĩ mô, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng, cần xây dựng nghị định cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn trên các lĩnh vực như chính sách về KCN, khu kinh tế, chính sách đất đai, chính sách tín dụng xanh, tài chính xanh…
Bà Sibylle Bachmann, Trưởng Cơ quan Hợp tác phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam, nhấn mạnh, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua UNIDO trong việc hiện thực hóa các chính sách phát triển kinh tế tuần hoàn vào thực tiễn. Còn bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện quốc gia UNIDO tại Việt Nam, đánh giá, những lợi ích đáng kể về kinh tế, môi trường và xã hội từ dự án sẽ góp phần lan tỏa việc thực hiện mô hình KCN sinh thái để phát triển công nghiệp toàn diện và bền vững ở Việt Nam.