Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 20-10-2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL thời kỳ 2001-2020.
Trước đó, vào đầu tháng 3, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thống nhất đánh giá, Nghị quyết số 21 được các bộ ngành Trung ương và địa phương trong vùng triển khai, thực hiện hiệu quả; phát huy được tiềm năng, lợi thế, tác động tích cực, mạnh mẽ đến sự phát triển chung của vùng và cả nước. Các mục tiêu của Nghị quyết 21 đã cơ bản hoàn thành, nhưng trong giai đoạn mới, yêu cầu phát triển mới, cách tiếp cận mới cần thiết phải có Nghị quyết mới cho vùng kinh tế - xã hội quan trọng này của đất nước.
Tầm nhìn phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2050 đã được xác định, là trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; nơi đáng sống đối với người dân, điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư; các cộng đồng dân cư thịnh vượng và năng động; phát huy hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng. Tầm nhìn đó đòi hỏi cách tiếp cận tổng hợp, tư duy kiến tạo, thích ứng thuận theo tự nhiên, yêu cầu phải chuyển đổi mô hình phát triển, định hướng bố trí không gian, huy động nguồn lực, tăng cường liên kết vùng và liên vùng với TPHCM. Trong quá trình phát triển lấy “con người” làm trung tâm, xem tài nguyên nước là cốt lõi, biến thách thức thành cơ hội. Khắc phục tình trạng các nguồn lực phân tán; cơ chế, chính sách, quy định pháp luật bất cập tạo ra các điểm nghẽn.
Nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng ĐBSCL đã được xác định rõ trong Nghị quyết 13-NQ/TW, cần quan tâm cụ thể hóa các nhóm giải pháp đột phá để vượt điểm nghẽn, tạo chuyển biến hơn nữa về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và đảm bảo quốc phòng, an ninh vững chắc.
Một là, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phát triển vùng, trong đó có các cơ chế, chính sách, tổ chức điều phối vùng, liên kết phát triển các tiểu vùng, nội vùng và liên vùng.
Hai là, tổ chức huy động hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển. Xây dựng cơ chế, chính sách mới nhằm phát triển, thu hút đầu tư, bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các khu vực khác. Cần thúc đẩy hình thành các quỹ đầu tư, các cơ chế huy động vốn khuyến khích cho vay, tăng cường năng lực cho các thành phần kinh tế. Xây dựng cơ chế tài chính riêng cho vùng thông qua nguồn lực ngoài nước, vốn ODA và hoàn thiện thể chế về môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư tư nhân là điều kiện cần nhằm giải quyết điểm nghẽn vốn đầu tư. Xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia cho vùng ĐBSCL để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ tới, theo hướng nghiên cứu cơ chế ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước giai đoạn đến năm 2025 và năm 2026-2030.
Ba là, đầu tư và phát triển hạ tầng theo quy hoạch, giải quyết các “điểm nghẽn” trong lĩnh vực giao thông vận tải; thích ứng biến đổi khí hậu phù hợp với quy hoạch vùng được phê duyệt. Thực hiện nhiệm vụ cấp bách về chống sạt lở, sụt lún nghiêm trọng tại một số khu vực bờ biển, bờ sông. Các dự án đầu tư và phát triển hạ tầng phải đảm bảo thống nhất, tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm và có lộ trình hợp lý.
Bốn là, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh địa bàn Tây Nam bộ, giữ vững tuyến biên giới, đoàn kết, hợp tác, cùng phát triển; gắn kết với các mục tiêu phát triển con người, kinh tế - xã hội và môi trường…
Thực tiễn đời sống sinh động cùng với tư tưởng chỉ đạo, tư duy phát triển mới, quan điểm, tầm nhìn chiến lược đã được kết tinh trong nghị quyết, cần phải được triển khai, quán triệt đến tận cơ sở, đưa nghị quyết từ trong văn bản vào cuộc sống bằng chính hành động cụ thể, quyết liệt. Chất lượng thể chế hóa, hiện thực hóa và cụ thể hóa nghị quyết sẽ tạo ra bước chuyển biến mới, khí thế mới, bộ mặt mới cho vùng ĐBSCL.