Liên tục “chào hàng” tour tuyến mới
Những ngày cuối năm, Sở Du lịch TPHCM tất bật cùng các doanh nghiệp, quận, huyện, TP Thủ Đức… cho ra mắt những sản phẩm du lịch mới, đa dạng cả trên bộ lẫn đường thủy để khách được vui chơi, trải nghiệm.
“Mời quý vị hãy chọn cho mình một viên đá hợp mệnh, cất vào Túi giải lo, hãy nói lo lắng cho túi nghe, mọi muộn phiền đều tan biến…”, hướng dẫn viên Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thuyền Nhiêu Lộc, chia sẻ làm cho hành khách trong tour “Nhà Bè - Ngàn lẻ một đêm” cảm thấy thích thú, hiếu kỳ.
Tour đêm Nhà Bè lần đầu được giới thiệu đến du khách, với thông điệp “Không mang gì về ngoài những bức ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân” được thể hiện trọn vẹn. Xuyên suốt hành trình, mọi người có dịp chạy xe len lỏi qua từng con ngõ nhỏ, hai bên lau sậy, xa xa sông Sài Gòn lấp loáng ánh bạc đầy thơ mộng… Ở từng điểm dừng chân, khách được thưởng thức đặc sản riêng như cháo cối, mì trường dạ gắn với sự tích “Hà bá cưới vợ”…
Ở trung tâm quận 1, tour “Sắc màu đêm” do UBND quận 1 phối hợp Lữ hành Vietluxtour thực hiện. Chị Phương Uyên, từ Hà Nội đến TPHCM du lịch và trải nghiệm tour, đã tỏ ra khá thích thú với những sản phẩm vừa tinh tế vừa đặc trưng của TPHCM được “gói” khéo léo trong tour. Lộ trình tour “Sắc màu đêm” gồm: tham quan Hotel Continental Sài Gòn gắn với dòng chảy lịch sử TPHCM; thưởng thức “À Ố Show” tại Nhà hát TPHCM; mua sắm, ăn đêm tại chợ Bến Thành…
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho rằng, năm qua, ngành du lịch TPHCM liên tục tổ chức các hoạt động, sự kiện gắn với chương trình du lịch xanh, kinh tế xanh, tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực về TPHCM. Bên cạnh đó, TPHCM cũng công bố thêm 50 sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước. Điển hình như: Chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND và UBND TPHCM; tour “Sống động Sài Gòn”; “Ký ức Biệt động Sài Gòn”, tham quan Nhà hát TPHCM…
Là một trong những điểm sáng về tăng trưởng du lịch, Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 26,5 triệu lượt, tăng 10,4% so với năm 2023. Theo lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, để đạt được mục tiêu này, Hà Nội đang và sẽ ưu tiên hỗ trợ các đơn vị quản lý điểm đến di sản, di tích văn hóa; đầu tư, nghiên cứu xây dựng các tour trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống.
Trong đó, tiếp tục phát triển du lịch đường sông kết nối các điểm đến dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống; hoàn thiện tuyến Chương Dương Độ - Bát Tràng - đền thờ Chử Đồng Tử; tiến tới mở rộng tuyến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì...
Các sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như tuyến văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu... cũng sẽ được tập trung đầu tư.
Cơ hội lớn để ngành du lịch bứt phá
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung về xuất nhập cảnh và dấu ấn tốt về ngoại giao của Việt Nam là những yếu tố tạo thêm cơ hội thuận lợi để ngành du lịch bứt phá trong năm 2024. Các doanh nghiệp lữ hành, các hiệp hội du lịch nhìn vào cơ hội đó để chuẩn bị thị trường, sản phẩm, lực lượng lao động đón khách quốc tế.
“Nhìn lại năm 2023, tôi tin tưởng và kỳ vọng du lịch năm 2024 sẽ phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cùng với việc tập trung thu hút khách quốc tế, chúng ta vẫn không nên bỏ ngỏ du khách trong nước bởi thị trường nội địa vẫn là thị trường rất tiềm năng”, ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Công ty Flamingo Redtours, chia sẻ.
Ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành Lux Group, thì trăn trở: du lịch Việt Nam cũng cần quan tâm nhiều hơn đến việc khách ở lại bao lâu và chi tiêu như thế nào để thẩm thấu vào nền kinh tế địa phương. Số liệu từ Báo cáo thường niên du lịch 2019 của Tổng cục Du lịch gần đây cho thấy, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam là 1.074 USD/khách, đi du lịch Việt Nam trong 8,1 ngày, chi tiêu bình quân 132,6 USD/ngày. So với thế giới, mức chi tiêu trung bình của khách quốc tế đến nước ta như vậy là quá thấp.
Về việc tăng trần giá vé máy bay trong năm tới sẽ ảnh hưởng nhiều tới tình hình chung của du lịch, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu nhận xét, khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không chiếm đa số, cao gấp nhiều lần so với đường bộ, đường biển. Do vậy, hàng không luôn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Hiện đang diễn ra quá trình tái cấu trúc, thay đổi lại mặt bằng giá nên có những dịch vụ tăng giá, có dịch vụ giảm giá, tự trong cơ chế thị trường cần phải có sự cân bằng tối ưu.
Nói về xu hướng khách du lịch chọn đi tour nước ngoài thay vì trong nước, ông Hà Văn Siêu cho rằng, người dân có quyền chọn đi bất cứ nơi nào mà họ cho là hấp dẫn. Đây là bài toán cạnh tranh giữa du lịch trong nước và quốc tế. Cần phải có sức ép lành mạnh để các doanh nghiệp thay đổi tốt hơn.
TPHCM đặt mục tiêu đón 6 triệu khách quốc tế
Ngành du lịch TPHCM đặt mục tiêu đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, tổng doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 190.000 tỷ đồng.
Theo Sở Du lịch TPHCM, năm 2023, khách quốc tế đến TPHCM đạt khoảng 5 triệu lượt khách, tăng 44,3% so với cùng kỳ 2022; khách du lịch nội địa khoảng 35 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 160.000 tỷ đồng.