Bàn giao rồi để đó
Cách nay hơn 2 năm, để nâng cấp toàn diện chợ Bình Tây, UBND quận 6 đã cho dựng các dãy nhà bằng sắt và tôn ở các tuyến đường Tháp Mười, Nguyễn Hữu Thận để làm chợ tạm, di dời 1.070 quầy sạp của tiểu thương trong chợ ra đây kinh doanh trong thời gian chờ sửa chợ. Đến tháng 11-2018, việc sửa chữa chợ Bình Tây hoàn thành, các tiểu thương cũng đã chuyển hàng hóa trở về chợ buôn bán bình thường. Kể từ thời điểm đó, Ban Quản lý chợ Bình Tây đã bàn giao lại mặt bằng khu chợ tạm cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 6.
Chợ tạm không còn hoạt động nhưng chưa được tháo dỡ trả lại mặt đường cho giao thông. Ông Huỳnh Ngọc Tân (ở đường Minh Phụng, quận 11, thường lưu thông qua đây) bức xúc: “Lúc sửa chữa chợ Bình Tây, phải dời các quầy sạp ra chợ tạm. Tuyến đường Tháp Mười thường xuyên ùn tắc do dãy chợ tạm đã chiếm dụng hơn nửa phần lòng đường. Tuy vậy, người dân cũng cảm thông, chia sẻ. Nhưng thật bất bình khi chợ Bình Tây đã sửa xong nửa năm rồi mà vẫn để dãy chợ tạm ở đó, cản trở lưu thông”.
Thật vậy, tại chợ Bình Tây người mua bán ra vào tấp nập, kể cả lượng xe tải tới lui nhận chuyển hàng đi các tỉnh. Trong khi đó, việc mua bán của tiểu thương ở mặt tiền các con đường bị dãy chợ tạm che khuất, chắn lối ra vào. Bà Nguyễn Mỹ Liên (kinh doanh ngành hàng đồ chơi, phụ kiện thời trang ở đây) than rằng: “Hơn 2 năm rồi, chúng tôi đã chịu đựng kinh doanh ế ẩm vì bị chợ tạm chắn trước mặt cửa hàng. Những tưởng sửa xong chợ thì hết cảnh khổ, vậy mà thêm nửa năm rồi vẫn không ai tháo dỡ chợ tạm”.
Thủ tục tháo dỡ kéo dài
Từ thông tin của bạn đọc, phóng viên Báo SGGP đã đến xác minh, tìm hiểu nguyên nhân chậm tháo dỡ chợ tạm. Sáng 29-5, trả lời về việc này, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình quận 6, giải thích: “Ngay khi tiếp nhận bàn giao mặt bằng, ngày 28-12-2018, ông Ngô Thành Luông, Chủ tịch UBND quận 6, đã ký Quyết định 8085/QĐ-UBND-QLĐT phê duyệt phương án phá dỡ chợ tạm và phân công Ban Quản lý đầu tư và xây dựng công trình quận 6 thực hiện, thời gian tháo dỡ 30 ngày. Tuy nhiên, do vướng một số quy định của pháp luật, nên lúc đó việc tháo dỡ chưa thể thực hiện được”.
Theo Điều 30 Nghị định 151/2017 NĐ-CP ngày 26-12-2017 của Chính phủ (quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, quy định tổ chức thanh lý tài sản công theo hình thức phá dỡ hủy bỏ), trường hợp tài sản phá dỡ là nhà làm việc và các tài sản khác gắn liền với đất, có đơn giá theo sổ kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên, thì phải đấu thầu hoặc đấu giá thanh lý và việc này do UBND TPHCM quyết định. Công trình chợ tạm Bình Tây được xây dựng với kinh phí 16,3 tỷ đồng, nên quận đã có công văn gửi UBND TPHCM và Sở Tài chính để được hướng dẫn thực hiện. Ngày 1-3-2019, Chủ tịch UBND TPHCM đã ký Quyết định 750/QĐ-UBND về việc tháo dỡ, thanh lý tài sản, chấp thuận giao UBND quận 6 thanh lý, tháo dỡ công trình chợ tạm Bình Tây. Từ đó, UBND quận 6 đã thành lập Hội đồng thanh lý, tháo dỡ tài sản, lập dự toán chi phí tháo dỡ chợ tạm Bình Tây, định giá giá trị vật tư thu hồi, xác định mức giá khởi điểm khoảng 1,3 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Việt thông tin thêm: “Ngày 20-5, hợp đồng đấu giá tháo dỡ chợ tạm Bình Tây đã được ký kết. Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp TPHCM đã niêm yết công khai trong thời gian 20 ngày. Chiều 6-6, sẽ tổ chức đấu giá. Ngay sau phiên đấu giá, việc tháo dỡ công trình chợ tạm Bình Tây sẽ diễn ra trong vòng 30 ngày. Như vậy, trước ngày 10-7-2019, việc tháo dỡ sẽ hoàn thành và trả lại mặt đường cho người dân lưu thông, kinh doanh”.