Lo với sản phẩm sữa nhập
Thông tin từ Bộ Công thương cho thấy, từ đầu năm đến nay, nhiều cảnh báo về việc thu hồi sữa ngoại nhập không đạt chất lượng liên tục được đưa ra. Cụ thể, ngay sau khi Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) gửi cảnh báo tới cơ quan chức năng của Việt Nam về việc sản phẩm sữa tiệt trùng Sainsbury’s Semi-Skimmed less than 2% fat UHT milk, loại bao gói 1 lít, có hạn sử dụng trước ngày 28-12-2020 và ngày 29-12-2020 nhập khẩu từ Anh bị nhiễm khuẩn, bộ đã lập tức gửi thông báo đến các địa phương và đơn vị liên quan triển khai ngay các phương án thu hồi. Mới đây nhất, bộ lại tiếp tục đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm sữa hạnh nhân Milk Lab 1L nhập khẩu từ Australia. Bởi sản phẩm này cũng bị phát hiện là nhiễm khuẩn (Pseudomonas spp.) và hiện đang bị thu hồi tại Australia. Được biết, sản phẩm này do Tập đoàn Freedom Foods sản xuất và được nhập khẩu vào Việt Nam, thông qua Công ty Natural Life Sources Ltd.Co, có trụ sở tại TPHCM…
Trên thực tế, những thông tin về sản phẩm sữa không đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm gây không ít lo ngại cho người tiêu dùng trong nước. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhiên (ngụ đường Lê Quang Định, quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ, cho đến khi cơ quan chức năng phát hiện những lô sữa nhập khẩu không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm thì những lô sữa này đã đi sâu vào thị trường nội địa. Người tiêu dùng chắc chắn đã sử dụng ít nhiều. Vậy thì rất đáng lo ngại. Cùng chung tâm trạng với chị Nhiên, chị Nguyễn Thị Thu Hoa (ngụ đường Nguyễn Thị Thập, quận 7, TPHCM) nhấn mạnh, có những ca ngộ độc thực phẩm cấp tính thì có thể phát hiện được là do thực phẩm vừa sử dụng thiếu an toàn. Thế nhưng, có những thực phẩm không gây ra những triệu chứng ngộ độc cấp tính mà chỉ bộc phát thành bệnh khi đã sử dụng một thời gian dài. Vậy đến lúc đó, làm sao truy lại được căn nguyên của căn bệnh mắc phải là do thực phẩm nào. Do vậy, vẫn cần thắt chặt tiêu chuẩn kiểm tra chất lượng ngay từ khâu nhập khẩu, trước khi cho lưu thông trên thị trường.
Nâng chất sữa Việt, phủ sóng thị phần nội địa
Ghi nhận tại nhiều hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM thời gian qua, người tiêu dùng đã và đang có chuyển hướng sang sử dụng sản phẩm sữa của những doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa nội đã phối hợp hệ thống siêu thị Co.opmart tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi, giảm giá sâu sản phẩm sữa nội. Đơn cử, tại hệ thống siêu thị Co.opXtra quận 7, khách hàng khi mua 1 lốc sữa tiệt trùng organic của Vinamilk vào những ngày thứ 2, 4, 6 sẽ được giảm từ 43.500 đồng xuống còn 23.000 đồng. Đây là mức giá giảm sốc chưa từng có, nhằm tăng kích cầu cho người tiêu dùng.
Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty CP Sữa Việt Nam cho biết, hiện thị phần nội địa chiếm tỷ trọng quan trọng và đa số trong doanh thu của công ty. Đơn cử, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần kinh doanh nội địa đạt 25.456 tỷ đồng và xuất khẩu trực tiếp đạt 2.451 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt là 7,7% và 7,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, bất chấp các tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19 trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần hợp nhất của Vinamilk hiện đạt 29.648 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2019 và hoàn thành 50% kế hoạch năm. Trong đó, thị phần nội địa vẫn chiếm tỷ lệ trọng yếu.
Ở góc độ khác, đại diện Vinamilk cho biết, sản phẩm sữa nội hiện có chất lượng ngang bằng hoặc cao hơn chất lượng sữa ngoại nhập. Minh chứng rõ nhất là nhiều sản phẩm sữa nội đã đặt chân tới nhiều thị trường thế giới, trong đó có những thị trường vốn rất khắt khe với sản phẩm sữa nhập khẩu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Phải kể đến như hợp đồng xuất khẩu sữa 20 triệu USD đi Trung Đông được ký kết ngay tại Hội chợ quốc tế Gulfood Dubai vào đầu năm 2020. Hợp đồng này giúp sản phẩm sữa của công ty chính thức phủ sóng thị trường này, mà còn tạo đà để mở rộng xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Sau đó 2 tháng, Vinamilk cũng đã kịp hoàn tất các công đoạn sản xuất để xuất khẩu lô sữa đặc Ông Thọ đầu tiên sang Trung Quốc. Không dừng lại, thị phần xuất khẩu tại thị trường châu Á của công ty này còn được tiếp tục mở rộng khi ký kết thành công hợp đồng xuất khẩu trị giá hơn 1,2 triệu USD vào thị trường Hàn Quốc. Tính đến nay, Vinamilk đã xuất khẩu sản phẩm đi 54 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch đạt hơn 2,2 tỷ USD.
Theo các chuyên gia kinh tế, ngành sản xuất sữa Việt Nam chưa bao giờ đứng trước cơ hội phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Việt Nam đã và đang ký kết 16 hiệp định thương mại tự do. Điều này đã mở ra thị trường xuất khẩu rất rộng lớn cho doanh nghiệp. Ngược lại, tại thị trường trong nước, dù chịu sức ép cạnh tranh do hàng ngoại nhập ồ ạt tham gia vào thị trường, nhưng doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước lại có những ưu thế mà doanh nghiệp ngoại không có được như: thông thuộc thị trường nội địa, hiểu rõ tâm lý, nhu cầu và thể chất người Việt...
Không dừng lại đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước đã không ngừng đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng ngày càng hiện đại hóa, kết hợp đầu tư trang trại chăn nuôi để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, góp phần ổn định chất lượng sữa thành phẩm. Và sự đầu tư đúng đắn, cùng chiến lược “chắc chân”, thị phần nội địa kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp phát triển mạnh hơn trong thời gian tới. Đây cũng là nền tảng để ngành sữa Việt Nam vươn rộng hơn ra thị trường xuất khẩu, nhất là trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết đã chính thức có hiệu lực.