Trước đó, Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm Anh (FSA) gửi cảnh báo tới cơ quan chức năng của Việt Nam về việc sản phẩm sữa tiệt trùng nhập khẩu từ Anh nhiễm vi sinh vật, không an toàn cho người tiêu dùng. Cụ thể, tên sản phẩm là Sainsbury’s Semi-Skimmed less than 2% fat UHT milk, loại bao gói 1 lít, có hạn sử dụng trước ngày 28-12-2020 và 29-12-2020.
Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đã yêu cầu các cơ quan chức năng liên quan nhanh chóng thông báo tới cá nhân, doanh nghiệp đã và đang nhập khẩu, phân phối và tiêu dùng sản phẩm này. Đồng thời, thực hiện thu hồi sản phẩm sữa tiệt trùng Semi-Skimmed less than 2% fat UHT milk trong trường hợp cá nhân, doanh nghiệp (DN) nhập khẩu đăng ký kiểm tra nhà nước tại cơ quan.
Các cơ quan chức năng cũng phải áp dụng phương thức kiểm tra chặt đối với lô sản phẩm sữa tiệt trùng Semi-Skimmed less than 2% fat UHT milk theo thông báo tại công văn số 6265/BCT-KHCN ngày 24-8-2020 đến khi có thông báo ngừng của Bộ Công thương. Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm tra hàng hóa trên thị trường nếu phát hiện sản phẩm với thông tin nêu tại mục 1 lưu thông trên thị trường thì kịp thời thu hồi, xử lý theo quy định. Về phía người dân, Bộ Công thương cũng khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng sản phẩm với thông tin nêu tại mục 1. Đồng thời báo với cơ quan chức năng gần nhất nếu phát hiện tổ chức, cá nhân bán các sản phẩm này.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do sẽ giúp các hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam dễ dàng hơn, nhất là với những sản phẩm chế biến từ sữa và sản phẩm sữa. Nguyên nhân do DN ngoại có lợi thế về thương hiệu, chất lượng và tâm lý chuộng sử dụng hàng ngoại của người tiêu dùng.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa từ đầu năm đến nay vẫn liên tục tăng mạnh. Chỉ tính riêng trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa này vẫn đạt gần 500 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019. Thị trường xuất khẩu sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa sang Việt Nam chủ yếu từ New Zealand, Hoa Kỳ, các nước Đông Nam Á và gần đây nhất là thị trường Châu Âu.
Còn với sức tiêu thụ tại thị trường nội địa, dù Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng các sản phẩm dinh dưỡng từ sữa được tiêu dùng mạnh. Đặc biệt là tại các tỉnh thành có quy mô dân số đông như Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Quảng Ninh. Ngoài ra, tâm lý mua trữ ba nhóm hàng hóa phòng dịch cũng tạo cơ hội cho ngành sữa tăng trưởng mạnh. Nhiều DN trong và ngoài nước đã phải tăng công suất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ở các nhóm sản phẩm bổ sung dưỡng chất, giúp nâng cao hệ miễn dịch như sữa bột, sữa chua. Dự kiến, với nhu cầu tiêu dùng mạnh hiện nay, ngành hàng sữa và các sản phẩm từ sữa tăng trưởng khả quan mức 10,4% trong năm 2020.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng cần phải cẩn trọng khi sử dụng hàng ngoại nhập. Bởi để các sản phẩm sữa nhập khẩu, lưu thông hợp pháp trên thị trường Việt Nam, DN phải đăng ký và nộp hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm sữa nhập khẩu tại cơ quan quản lý nhà nước (với sản phẩm sữa dành cho bé dưới 36 tháng tuổi). Riêng những sản phẩm sữa khác thì DN có quyền tự công bố chất lượng sản phẩm sữa nhập khẩu. Do vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn những cơ sở, hệ thống phân phối có uy tín để mua hàng, tránh mua phải hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Mặt khác, sữa và các sản phẩm sữa là mặt hàng đặc biệt, đòi hỏi khâu bảo quản, lưu trữ phải được kiểm soát chặt chẽ từ nhiệt độ đến điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu là hàng của các DN sản xuất uy tín nhưng bảo quản không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật cũng có thể gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng.
Ở góc độ khác, nhiều chuyên gia cho rằng, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa trong nước hiện có chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập. Thậm chí, sản phẩm sữa của DN trong nước đang đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường khó tính trên thế giới như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…
Để chất lượng sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu, DN đều phải thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008, FSSC 22000… đảm bảo sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm và đúng với tiêu chuẩn đã công bố. Với mỗi lô hàng sản xuất, DN đều lưu mẫu sản phẩm tại nhà máy cho tới khi hết hạn sử dụng. Quan trọng hơn, do sản xuất nội địa nên sản phẩm sữa nội luôn có giá thành cạnh tranh hơn sữa ngoại nhập dù chất lượng không thua kém.