Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đồng chí Vũ Quốc Hùng nói: “Cái mất lớn nhất của Đảng ta là mất con người và làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Có một bộ phận cán bộ, đảng viên khi nắm giữ vị trí lãnh đạo đã không vì lợi ích của Đảng, của nhân dân, chỉ biết thu vén cá nhân, luồn lách, lôi kéo nhau thành những nhóm lợi ích bao che cái tiêu cực và dung dưỡng sự tha hóa”.
Hai bài học lớn
* PHÓNG VIÊN: Những bài học mà Đảng rút ra từ các vụ án tham nhũng lớn luôn là về công tác cán bộ, và Đảng cũng đã có nhiều quy định, tiêu chí, tiêu chuẩn đối với cán bộ, nhưng vẫn có những cán bộ hư hỏng, biến chất tồn tại trong bộ máy, thưa ông?
* Đồng chí VŨ QUỐC HÙNG: Vấn đề ở đây là phải chọn cán bộ cho tốt. Các quy định của Đảng ta từ nhiều năm nay đã được bổ sung những yêu cầu, tiêu chí, tiêu chuẩn về cán bộ. Quan trọng là chọn ai? ai chọn. Nếu những người làm công tác cán bộ mà thực sự thấm nhuần tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ thì sẽ chọn được những người xứng đáng vào đội quân cách mạng này. Những người làm công việc liên quan đến phát hiện, đào tạo, sử dụng, quản lý cán bộ phải là người trong sáng, trong sạch, có đủ phẩm chất, tư tưởng, đạo đức, phong cách.
* Có phải công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có lúc, có nơi chưa làm tốt, dẫn đến buông lỏng kỷ luật Đảng, thưa ông?
* Đảng đã nói nhiều rồi, không kiểm tra thì không có lãnh đạo. Kiểm tra đây không phải là những động tác, thao tác của một số công việc có tính chất chuyên ngành, mà nó gắn với công tác lãnh đạo. Còn nghiệp vụ kiểm tra là làm công tác giúp thực hiện việc lãnh đạo. Kiểm tra là một phần không thể thiếu được trong công tác lãnh đạo.
Trước kia chỉ có quy định kiểm tra, sau đó chúng ta đã bổ sung vào Điều lệ Đảng thêm chức năng giám sát. Giám sát là hoạt động mang tính chất chủ động, đi trước, đón trước để tránh gây hậu quả nghiêm trọng cho đối tượng hoạt động. Kiểm tra phải kịp thời “vỗ vai” những đồng chí có dấu hiệu vi phạm. “Vỗ vai” ở đây là nhắc nhở đồng chí mình tránh xa những hành vi, việc làm sai trái, làm phương hại đến uy tín của tổ chức và của chính mình.
Những vụ án tày đình xảy ra thời gian qua liên quan đến một số ủy viên Trung ương Đảng, rồi ủy viên Bộ Chính trị, đến bộ trưởng và các cấp dưới, có đến 70 người bị xử lý kỷ luật, lâm vào lao lý. Những việc đó rất cụ thể để thấy là cuộc chiến chống tham nhũng này Đảng đã rất nghiêm và vẫn giữ được cốt cách của một đảng chân chính, anh minh. Nói “Đảng là đạo đức, là văn minh” cũng là đây.
Đạo đức là cái bao trùm tất cả, nó quyết định hết về nhân cách, tư cách của một con người. Còn văn minh là thể hiện phong cách, là có học vấn, có giác ngộ, con người có văn hóa. Khi tự nhiên nhận của ai đó số tiền mấy chục triệu, mấy trăm triệu mà vẫn “lạnh tanh” là không được rồi, chưa nói là nhận tới hàng triệu đô la Mỹ. Tự dưng ai đó mang đến cho mình cái phong bì cả đống tiền như thế thì phải thấy thế nào chứ. Ở đây tôi muốn nói đến đạo đức và văn minh. Nếu một người có lòng tự trọng, có liêm sỉ, họ không làm như thế.
Cho nên, bài học số 1, bài học đau đớn và cũng là bài học sáng giá, bài học xương máu là bài học về công tác tổ chức cán bộ. Thứ hai, là bài học về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
Phải biết cảnh giác với chính mình
* Trong các báo cáo văn kiện của Đảng và phát biểu của nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nói đến cái tệ xa dân của cán bộ, đảng viên. Ông nghĩ thế nào về điều này, thưa ông ?
* Như tôi đã trình bày, cán bộ hư hỏng, tha hóa là do chúng ta chọn người không đúng. Ông cha ta đã nói “mã tầm mã, ngưu tầm ngưu”. Đã là con người thì ai cũng có bản năng, lý trí. Nếu lý trí được rèn luyện, được giáo dục thì chiến thắng bản năng. Con người đâu phải gỗ, đá. Con người có ý chí, có tình cảm. Chính tình cảm thương yêu đồng đội, đồng chí, tình cảm với Tổ quốc thì mới yêu nước, thương dân. Tình cảm đó giúp ta chiến thắng mọi kẻ thù, vượt lên những cám dỗ. Trong các chiến thắng thì chiến thắng bản thân là khó nhất.
Bản thân cũng chính là kẻ thù nguy hiểm nhất. Nếu mỗi chúng ta thấy được điều đó thì phải luôn tự giác và tự cảnh giác, phải biết tự bảo vệ mình và đồng chí mình, đừng có dắt díu, lôi kéo nhau vào làm chuyện này chuyện kia, rồi khi có chuyện thì bảo bọc, che đậy cho nhau. Cái quan trọng nhất là giáo dục thế hệ trẻ, giáo dục ở gia đình, giáo dục ở trường học, đoàn thể. Những ai được giáo dục tốt từ những môi trường giáo dục này thì họ trưởng thành.
Để có một sự thay đổi, phải có những giải pháp tổng thể về con người, trong đó vấn đề đào tạo là cốt lõi. Trong cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo, chưa nói được cốt lõi của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Phong cách Hồ Chí Minh là thể hiện đạo đức và tư tưởng của Người. Phong cách của Bác là gần dân, thân dân, coi trọng dân, lắng nghe dân, thương yêu dân, hiểu được những nỗi khổ của nhân dân. Đã có bao nhiêu cán bộ, đảng viên thể hiện được phong cách đó của Bác Hồ?
* Có phải quyền lực đã làm cho cán bộ xa dân?
* Anh biết câu nói sau trở thành phương châm lãnh đạo của Đảng ta “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là của ai không? Là của một đồng chí nguyên là Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương. Lúc đầu thì không có vế “dân kiểm tra”, sau được bổ sung vào.
Từ đó, chúng ta mới nói nhiều đến là phải làm thế nào để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Rất nhiều vụ việc khiếu kiện của dân nguyên nhân là do ở những dự án phát triển, thu hồi đất của dân mà dân không được biết. Chúng ta làm việc gì liên quan đến dân thì phải đảm bảo “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây vừa là phương châm, vừa là mục đích, vừa là yêu cầu.
* Ông tin ở điều gì sau những va vấp, khuyết điểm của Đảng trong lịch sử phát triển 90 năm qua?
* Có thể khẳng định chắc chắn là chúng ta và toàn dân đất nước này luôn vững tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng. Niềm tin này là có thực và được kiểm chứng, đánh giá một cách khách quan, khoa học trong lịch sử 90 năm Đảng dẫn dắt dân tộc ta, đất nước ta phát triển như hôm nay.
Đảng sẽ phải nghiêm khắc với mình, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những va vấp, khuyết điểm, để từ đó hoàn thiện, bổ sung các quy định pháp luật Nhà nước, quy chế của Đảng về xây dựng Đảng, phòng chống tham nhũng, chống suy thoái chính trị, tư tưởng, chống chạy chức, chạy quyền và ngăn chặn, loại bỏ được những “con sâu” làm hại Đảng, hại dân, hại nước.
Theo Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, trong năm 2019, cấp ủy các cấp đã kiểm tra 51.878 tổ chức đảng và 277.635 đảng viên. UBKT Trung ương và UBKT các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 3.364 tổ chức đảng và 10.232 đảng viên (có 4.938 cấp ủy viên các cấp, chiếm 48,2%). Các cuộc kiểm tra được thực hiện với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, khẩn trương; trong đó, có những vụ việc phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong xã hội, đã được UBKT Trung ương tập trung kiểm tra, kết luận rõ và xử lý kỷ luật kịp thời với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. |