Chiều 3-10, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiến hành thẩm tra dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Trình bày tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương khẳng định, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin - cho”…
“Dự thảo Luật đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài, nhất là đã tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019. Các quy định về phân cấp, phân quyền bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.
Một nội dung quan trọng, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, là dự án luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Đầu tư công hiện hành theo hướng cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác để chuẩn bị đầu tư dự án; cho phép doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, cho phép bên cạnh cơ quan chuyên môn, Ban Quản lý dự án, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ, cơ quan Trung ương, địa phương cũng được lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án; thực hiện giao nhiệm vụ và kế hoạch vốn hàng năm cho chủ đầu tư dự án không phải là đơn vị trực thuộc.
Để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, dự án Luật sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành theo hướng phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ. Phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương, vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương, các khoản vốn ngân sách Trung ương chưa phân bổ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm, từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự án luật quy định quy mô của dự án quan trọng quốc gia là từ 30.000 tỷ đồng trở lên; quy mô tổng mức đầu tư dự án nhóm A, nhóm B và nhóm C được tăng gấp 2 lần so với các quy định hiện hành. Cùng với đó, phân cấp người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do cơ quan, tổ chức mình quản lý với quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng.
Thủ tướng Chính phủ được quyết định với dự án nhóm A từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng; Chủ tịch UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A có quy mô vốn dưới 10.000 tỷ đồng. Dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý. Chủ tịch UBND các cấp được điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng các điều khoản trong dự thảo Luật để giảm thời gian, thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư công, nhưng cũng phải bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.
Tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh lưu ý, quá trình sửa đổi toàn diện Luật Đầu tư công được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn nên khó có thể thực hiện đánh giá tác động đầy đủ, lấy ý kiến đa chiều. Do vậy, các cơ quan cần cố gắng, nêu cao trách nhiệm để nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật có chất lượng cao nhất. Nếu đạt sự đồng thuận cao của Quốc hội dự án có thể đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật này trong một kỳ họp.
Dự thảo Luật gồm 7 chương, 116 điều (sửa đổi 53 điều, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 7 điều so với Luật Đầu tư công năm 2019), cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn gồm: thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.