Sửa luật theo nguyên tắc “trên chịu trách nhiệm, dưới cũng phải chịu trách nhiệm"

Sáng 5-2, tại phiên họp 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh quan điểm phân cấp, phân quyền theo phương châm "lạt mềm buộc chặt".

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến về nội dung phân cấp, phân quyền
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến về nội dung phân cấp, phân quyền

Về phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương và địa phương, Chủ tịch Quốc hội lưu ý quan điểm được Tổng Bí thư Tô Lâm thường nói là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Trung ương chỉ kiến tạo, Quốc hội giám sát, Chính phủ điều hành.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tới đây, Quốc hội sẽ không quản lý danh mục dự án đầu tư công như trước mà giao “một cục” cho Chính phủ. Chính phủ chịu trách nhiệm phân bổ về cho địa phương.

MẪN 3.jpg
Quang cảnh phiên họp

"Thủ tướng cũng nói với tôi là giao quyền lại cho bộ, ngành, địa phương. Không còn cơ chế xin - cho. Vừa qua, chúng ta có danh mục nên mới có người đi chạy, có người bị sai phạm", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Nhìn nhận việc phân cấp, phân quyền thực tế hiện nay là "ở trên vẫn còn ôm", "giao nhưng muốn làm cái gì vẫn phải thông qua ở trên", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu làm rõ hơn khả năng đáp ứng của các cơ quan, tổ chức, người được phân cấp, đảm bảo tính khả thi, tránh đùn đẩy trách nhiệm.

Theo Chủ tịch Quốc hội, cùng khung khổ luật, nghị định, thông tư, nhưng có địa phương làm quyết liệt, không xin xỏ Trung ương, không kêu khó, nhưng có địa phương lại kêu do quy định. “Nhiều địa phương làm có sản phẩm, tăng trưởng, thu ngân sách cao mà không kêu, song cũng có nơi không làm được thì đổ lỗi do luật. Do vậy, sửa luật lần này cần giải quyết được vấn đề đặt ra theo nguyên tắc “trên chịu trách nhiệm, dưới cũng phải chịu trách nhiệm", nhất là trong bối cảnh tới đây cấp xã được phân cấp, phân quyền rất mạnh khi nhiều đơn vị cấp trung gian ở huyện không còn. Thanh tra cấp huyện không còn, công an cấp huyện không còn và tới đây còn nhiều đơn vị nữa. Cái gì ở chỗ “gác lửng” thì thôi không xây dựng nữa. Chúng ta tập trung cho xã, phân quyền cho xã như vậy thì phải hết sức lưu ý về nguồn lực", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

TRÀ 2.jpg
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình thêm tại phiên họp

Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cùng với việc trình các dự án luật, Chính phủ đã chuẩn bị song song 3 dự thảo nghị định để có thể ban hành, triển khai kịp thời ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), không để khoảng trống pháp lý.

Tin cùng chuyên mục