Về khung pháp lý, từ năm 2014 đến nay, NHNN đã đưa ra nhiều văn bản hướng dẫn việc báo cáo giao dịch chuyển tiền, các giao dịch đáng ngờ nhằm phát hiện sớm hoạt động rửa tiền. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng tiến hành xác định được đối tượng khách hàng và các giao dịch có rủi ro rửa tiền cao như khách hàng nước ngoài là cá nhân có ảnh hưởng chính trị, quan hệ ngân hàng đại lý, và các giao dịch liên quan đến công nghệ mới. Ba trụ cột của chính sách phòng chống rửa tiền là đưa ra biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong phòng chống rửa tiền; và hợp tác quốc tế trong phòng chống rửa tiền.
Theo ghi nhận của NHNN, hoạt động rửa tiền ngày càng phức tạp. Thời gian qua, tội phạm đã lạm dụng các giao dịch chuyển tiền trên mạng, đánh bạc trên mạng để phục vụ cho việc chuyển tiền bất hợp pháp. Tội phạm rửa tiền cũng lợi dụng thẻ ghi nợ, thẻ thanh toán quốc tế, ví điện tử, thẻ trả trước vô danh để thực hiện chuyển tiền phi pháp qua biên giới. Đây là những sản phẩm tiện ích trong ngành ngân hàng nhưng đang bị các tổ chức tội phạm lợi dụng để thực hiện hành vi rửa tiền. Để ngăn chặn hoạt động rửa tiền trong thời đại công nghệ số, đại diện NHNN cho biết, cơ quan này đang tổng kết việc thực hiện Luật Phòng chống rửa tiền trong 5 năm qua, tiến tới sửa đổi luật để ngăn chặn các hoạt động rửa tiền.