Ngày 11-9, tại TPHCM, Bộ KH-ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam bộ và ĐBSCL về Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Luật này dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8, diễn ra vào tháng 10 năm nay. Trước hội thảo này, Bộ KH-ĐT đã tổ chức 2 hội thảo lấy ý kiến các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung.
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm đóng góp nhiều ý kiến là việc dự thảo cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án.
Ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho rằng, quy định này là rất phù hợp, làm cho việc chuẩn bị đầu tư được hoàn chỉnh trước khi bố trí vốn. Trong khi đó, Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa cũng nhìn nhận, thực hiện dự án đầu tư công nhanh hay chậm là do công tác giải phóng mặt bằng, không có mặt bằng thì không thể làm được gì. Muốn sớm có mặt bằng thì phải tách riêng để triển khai nhanh.
Từ thực tế địa phương, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng đồng thuận về tách giải phóng mặt bằng khỏi các dự án để đảm bảo tiến độ các dự án. Tuy nhiên ông đặt vấn đề, việc tách này lại gắn với điều luật về tổng mức đầu tư các dự án nhóm A, B, C.
“Hiện tổng mức đầu tư dự án là tính cả giải phóng mặt bằng, nay tách phần bồi thường rồi thì tính ra sao? Thực tế, nhiều dự án có chi phí xây lắp/thiết bị thấp nhưng chi phí giải phóng mặt bằng rất cao. Quy định cần nêu rõ dự án bồi thường bao nhiêu thì tách được. Cần nói rõ để địa phương chủ động thực hiện thủ tục đầu tư của địa phương”, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói.
Dự thảo luật sửa đổi nêu: “Trường hợp thật sự cần thiết tách riêng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đối với dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội xem xét, quyết định; đối với dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C do cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án xem xét, quyết định theo thẩm quyền. Việc tách riêng dự án độc lập được thực hiện khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”.
Lãnh đạo một số tỉnh thành cho biết, cần quy định rõ như thế nào là “thực sự cần thiết”, tránh gây khó cho việc triển khai sau này. Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Bình Thuận cho biết, quy định tách phần bồi thường, nhưng lại chưa có quy định về trình tự thủ tục, do đó khi áp dụng vào thực tiễn sẽ vướng.
Trả lời những băn khoăn này, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, việc tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đã được đặt ra từ lâu. Cách đây vài năm, Bộ KH-ĐT đã trình việc này, nhưng khi đó Quốc hội cân nhắc và quyết định rằng sẽ xem xét từng địa bàn, từng dự án, điều kiện cụ thể.
Bà Bích Ngọc cho biết, khi đó đã lường trước các trường hợp như các dự án giao thông chẳng hạn, chưa có hướng tuyến thì tách dự án bồi thường sẽ có thể gây nhiều hệ lụy về sau. Lần này, bộ tiếp tục đưa vào dự thảo luật, nhưng kèm theo các điều kiện để đảm bảo công tác quản lý nhà nước.
Ngoài ra, lãnh đạo nhiều địa phương cũng có ý kiến cần đơn giản hóa quy trình thủ tục thực hiện dự án có vốn ODA. Các địa phương cho hay, thủ tục hiện nay quá nhiêu khê, kể từ khi có chủ trương, cho tới khi ký được hiệp định để triển khai dự án, “nhanh nhất cũng phải 3-4 năm”, còn thông thường có khi tới 5-6 năm. Thời gian quá lâu, nhiều dự định ban đầu thay đổi, lỡ đi nhiều cơ hội phát triển.
Trước đó, phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, việc triển khai Luật Đầu tư công 2019 đã góp phần nhất định trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án đầu tư vào khai thác, sử dụng.
Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, Bộ KH-ĐT rà soát, tổng hợp ý kiến của các bộ ngành, địa phương, nhận thấy một số vấn đề khó khăn vướng mắc, cần phải xử lý kịp thời để đáp ứng được tình hình phát triển mới.
Bên cạnh đó, thời gian qua có một số chính sách thí điểm được Quốc hội ban hành. Qua rà soát thực tế, có nhiều chính sách đã chín muồi, có thể luật hóa.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT đánh giá việc sửa đổi Luật Đầu tư công lần này rất toàn diện, tuy nhiên cơ quan chủ trì soạn thảo cũng gặp khó khăn về tiến độ, khi Luật này dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp cuối năm nay.
Do thủ tục “một luật sửa nhiều luật”, theo thủ tục rút gọn, thông qua kỳ họp cuối năm nay, rất gấp rút, nên ban soạn thảo chỉ chọn các nội dung mang tính cấp bách nhất, cần sửa đổi để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh khơi thông nguồn lực, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) có 5 nhóm chính sách sửa đổi chính. Một là thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng. Hai là tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Ba là nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước. Bốn là thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Năm là đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm đồng bộ, thống nhất hệ thống pháp luật.
Đề xuất thủ tục đầu tư đặc biệt: Chỉ 15 ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Liên quan đến việc sửa đổi Luật Đầu tư, ban soạn thảo cho biết nội dung đột phá của dự thảo luật lần này là đề xuất thủ tục đầu tư đặc biệt. Cụ thể, thủ tục đầu tư đặc biệt được áp dụng cho các dự án đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế, ở một số lĩnh vực.
Bộ KH-ĐT nhìn nhận, thủ tục đầu tư hiện nay vẫn còn hạn chế. Thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau như đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy…
Việc thực thực hiện thủ tục về đầu tư kéo dài qua nhiều bước, nhiều khâu liên quan đến quy định của pháp luật trong nhiều lĩnh vực khác nhau chưa đáp ứng được yêu cầu mới đặt ra trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo,…
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực công nghệ cao đang đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội đầu tư và xúc tiến các dự án đầu tư có quy mô lớn tại Việt Nam. Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc áp dụng thủ tục đầu tư hiện hành đối với các trường hợp này có thể làm mất đi cơ hội trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút đầu tư.
Theo đó, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ này là đầu vào của thủ tục khác.
Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên kéo dài từ khoảng 250 đến 350 ngày. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan.
Một số lĩnh vực đề xuất áp dụng thủ tục đặc biệt:
1. Dự án đầu tư xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D); dự án đầu tư nghiên cứu và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch;
2. Dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch;
3. Dự án đầu tư khác thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư, tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trong việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án này.
• Nhà đầu tư thuộc đối tượng thực hiện thủ tục đầu tư đặc biệt được thành lập tổ chức kinh tế thực hiện dự án trước khi thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
• Hồ sơ đăng ký được gửi cho Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
• Dự án đầu tư đăng ký theo quy định này không phải thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép, phê duyệt, chấp thuận, cho phép, xác nhận và các yêu cầu khác thuộc các lĩnh vực xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật. Nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết và thực hiện đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy, chữa cháy.