Sửa Luật Đầu tư công là cấp bách nhưng phải đảm bảo chất lượng

Chiều 9-10, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí về phạm vi sửa đổi Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, số lượng các điều/khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa đổi lớn, đòi hỏi phải đánh giá kỹ về tác động chính sách và nghiên cứu, rà soát thận trọng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư công

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ trình dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi với 5 nhóm vấn đề lớn, bao gồm: nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Theo đó, có 53 điều được sửa đổi, bổ sung 22 điều, bãi bỏ 7 điều so với Luật Đầu tư công hiện hành.

MẠNH.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu quan điểm thẩm tra

Về một số nội dung cụ thể, dự thảo luật quy định theo hướng cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập. Luật Đầu tư công hiện hành quy định cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) thành dự án độc lập đối với dự án nhóm A. Dự thảo luật sửa đổi quy định cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án, đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục thực hiện.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, cơ quan thẩm tra nhất trí về phạm vi sửa đổi Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, số lượng các điều/khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa đổi lớn, đòi hỏi phải đánh giá kỹ về tác động chính sách và nghiên cứu, rà soát thận trọng.

Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất này của Chính phủ. Tuy nhiên, ủy ban cho rằng, cần quy định đảm bảo việc GPMB gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí đất đai và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 2 dự án độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá thời hạn quy định tại Điều 52 Luật Đầu tư công hiện hành.

QC 9.jpg
Quang cảnh phiên họp

Dự thảo luật cũng thể chế hóa xu hướng tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương. Theo đó, UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên. Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện được lựa chọn giao một UBND cấp dưới trực tiếp làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền (hiện thẩm quyền này thuộc Thủ tướng Chính phủ).

“Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc đổi mới là cần thiết. Tuy nhiên, các nội dung này mới được triển khai thực hiện trong thời gian ngắn, áp dụng cho một số công trình, dự án cụ thể đến nay chưa có sơ kết, tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng về tác động của chính sách trong thực tiễn, nhất là năng lực triển khai thực hiện của địa phương”, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh bày tỏ băn khoăn.

Một nội dung khác trong dự thảo cũng chưa nhận được sự đồng tình của cơ quan thẩm tra là quy định. “Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương trong trường hợp không thay đổi tổng mức vốn trung hạn và hàng năm đã được Quốc hội quyết định, báo cáo UBTVQH tại phiên họp gần nhất”.

Về nội dung này, Luật Đầu tư công hiện hành quy định thẩm quyền quyết định điều chỉnh là của UBTVQH. Ông Lê Quang Mạnh cho biết, Khoản 4 Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 quy định một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội là quyết định dự toán ngân sách Nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương. Hàng năm, Quốc hội thông qua các nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương (trong đó quyết định dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách Trung ương cho từng bộ, cơ quan Trung ương).

Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương làm thay đổi dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương đã được Quốc hội quyết định. Việc quyết định dự toán ngân sách Nhà nước đã được thực hiện ổn định nhiều năm (đối với cả chi thường xuyên và chi đầu tư), không có vướng mắc phát sinh. Do vậy, ủy ban đề nghị giữ như quy định hiện hành để bảo đảm quy định của Hiến pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: “Mỗi lần sửa luật là một lần khó. Việc sửa Luật Đầu tư công lần này động đến khá nhiều vấn đề, là việc rất cần thiết, cấp bách để tháo gỡ khó khăn nhưng cũng không vì thế mà nhân nhượng chất lượng hoặc vi phạm các nguyên tắc của Hiến pháp”. Chia sẻ với cơ quan chủ trì soạn thảo về thời gian ngắn ngủi (mới chỉ gần 2 tháng), Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tất cả các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ, nỗ lực hết mức để đánh giá đúng căn nguyên của những hạn chế để giải quyết “trúng” những khó khăn vướng mắc. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc đầu tư công chậm được giải ngân không chỉ nằm ở luật, mà còn ở công tác chuẩn bị đầu tư, bố trí bồi thường, tái định cư chậm…

Đồng chí Trần Thanh Mẫn phân tích: “Cùng khung pháp luật đó, vẫn có những địa phương làm tốt, có địa phương chưa. Chính phủ yêu cầu hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, nhưng đến nay vẫn có tới 12 địa phương chưa làm. Chỉ sửa luật như thế này thì vẫn chưa tháo gỡ hết được vướng mắc trên thực tế”.

Tin cùng chuyên mục