Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) |
Đáng chú ý, góp ý tại hội nghị, từ thực tế thu hồi đất của người dân TPHCM, ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM cho rằng, người dân phải là nhân vật trung tâm trong các dự án liên quan đến đất đai. Dự thảo Luật quy định, việc bồi thường tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm bằng hoặc hơn nơi ở cũ của người bị thu hồi, quy định này phải được làm đúng thì người dân mới đồng thuận dời đi.
Đồng thời, theo ông Đặng Văn Khoa, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phải làm rõ vấn đề quy hoạch để tránh hiện tượng quy hoạch “treo” bởi thời gian qua ở TPHCM, hàng ngàn hộ dân không thể sửa nhà hoặc dời đi bởi dự án treo trong 10 năm và không có điều khoản rõ ràng để đền bù.
Ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường TPHCM phát biểu tại hội nghị |
GS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, các quy định về giá bồi thường quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất không nên giao cho chính quyền cấp tỉnh quyết định, mà phải có sự đồng thuận của người bị thu hồi đất. Điều này nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, từ đó giúp tháo gỡ được những vướng mắc, bất cập trên thực tế về thu hồi đất còn tồn tại trong nhiều năm qua.
Trong khi đó, GS-TSKH Đỗ Nguyên Khoát khi đề cập tới giá đất đền bù đã phát biểu, thực tế cho thấy giá đền bù thời gian qua không thỏa đáng và là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khiếu kiện kéo dài, đây là “sai lầm” trong Luật đất đai năm 2013. Bởi vậy, việc bỏ khung giá đất tại dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này là một sự thay đổi lớn, tạo động lực cho việc quản lý đất đai ở nước ta trong thời gian tới.
“Bỏ khung giá đất, xác định giá theo nguyên tắc thị trường sẽ khắc phục được tình trạng hai giá trong thời gian vừa qua - đây là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại, cán bộ bị kỷ luật liên quan đến đất đai”, ông Khoát nêu vấn đề.
GS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới |
Tuy nhiên, cũng theo ông Đỗ Nguyên Khoát, dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn tiêu chí và cách thức xây dựng giá đất cho từng trường hợp. Giá đất áp dụng với từng mục đích, từng trường hợp khác nhau là khác nhau chứ không nên áp dụng chung một bảng giá đất cho tất cả các loại đất. Việc quy định cụ thể hơn tiêu chí và cách thức xây dựng giá đất cho từng trường hợp sẽ tạo cơ sở cho việc xây dựng bảng giá đất phù hợp để thống nhất áp dụng trên thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch và cân bằng quyền của người sử dụng đất.
Các ý kiến khác cũng cho rằng, dự thảo Luật cần ban hành các quy định tính giá đất thật cụ thể và chi tiết hơn, khắc phục tình trạng tùy tiện, chủ quan, áp đặt, thậm chí có lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống công ty dịch vụ xác định giá đủ tiêu chuẩn, hoạt động độc lập, bảo đảm hệ thống giá đất trình các cơ quan phê duyệt có căn cứ khoa học và khách quan. Song song đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những vi phạm trong xác định giá đất, coi đây là chính sách cơ bản để thực hiện Luật Đất đai trong giai đoạn mới.
Cho rằng việc sửa đổi luật phải đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân sử dụng đất và doanh nghiệp, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiến nghị, các nội dung trong dự thảo phải tăng cường tính dân chủ trực tiếp của người dân để người dân trực tiếp sử dụng đất được tham gia vào quá trình quy hoạch, sử dụng và đền bù đất, bất cứ “công đoạn” nào người dân đều được tham gia. Phải lấy ý kiến trực tiếp của người dân tại vùng được quy hoạch và phải làm rõ giá sử dụng đất để khi bồi thường, đền bù sẽ đảm bảo được quyền, lợi ích của người dân bị thu hồi đất.