GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM cho biết, hiện nay một số thông tin doanh nghiệp ở Việt Nam đã có cơ chế đảm bảo tính xác thực mà không cần có sự tham gia của công chứng như những thông tin được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đầu tư hay Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Do đó, nếu bổ sung thêm công chứng xác thực thông tin doanh nghiệp trong Luật và đặc biệt là trong Luật Công chứng đang được sửa đổi, thì cần lưu ý về chính sách hướng tới hạn chế “công ty ma”, vậy các đề xuất về luật hóa công chứng thông tin doanh nghiệp có giúp hạn chế được công ty ma hay không cần được bàn luận. Về nội dung cần xác định thông tin nào cần phải công chứng, thông tin nào có thể yêu cầu công chứng theo nhu cầu của chủ thể liên quan.
“Ngoài ra, doanh nghiệp biến động nhanh, thông tin doanh nghiệp cần cập nhật liên tục nên phải lưu ý tới hệ quả của việc đã công chứng rồi nhưng phải cập nhật như thế nào”, GS.TS Đỗ Văn Đại nhấn mạnh.
TS Phan Hoài Nam, Phó Trưởng Khoa Luật Quốc tế trường Đại học Luật TPHCM, trình bày tham luận “Cơ chế đảm bảo tính xác thực, hợp pháp của hồ sơ doanh nghiệp thông qua hoạt động công chứng”.
Ông Phan Hoài Nam thông tin, tình trạng “công ty ma”, giả dạng chữ ký văn bản của doanh nghiệp hay lạm quyền của người đại diện theo pháp luật để thực hiện các hành vi mua bán hóa đơn, hợp pháp hóa hành vi rửa tiền, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần bất hợp pháp,... ngày càng gia tăng xuất phát từ nguyên nhân thủ tục thông thoáng về thành lập doanh nghiệp cũng như không đặt ra yêu cầu công chứng đối với các thông tin trong quá trình hoạt động.
Cụ thể, Luật Công chứng Việt Nam hiện hành, Luật Doanh nghiệp năm 2020, Nghị định 01/2021/NĐ-CP cũng như các văn bản hướng dẫn chưa có quy định nào bắt buộc hồ sơ doanh nghiệp phải được công chứng để có hiệu lực khi nộp đến Phòng Đăng ký kinh doanh.
Trước tình trạng trên, TS Phan Hoài Nam đưa ra các kiến nghị. Thứ nhất, cần bổ sung quy định yêu cầu công chứng bắt buộc đối với hồ sơ doanh nghiệp. Đối với Luật Doanh nghiệp và văn bản dưới luật cũng cần sửa đổi theo hướng bổ sung yêu cầu công chứng, có thể quy định sửa đổi yêu cầu từ “Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp” sang “Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp có công chứng hợp pháp theo quy định pháp luật về công chứng”.
Thứ hai, cho phép công chứng điện tử với một số hồ sơ doanh nghiệp nhằm đảm bảo tính xác thực hồ sơ và xu hướng số hóa thủ tục hành chính. Hiện tại hành lang pháp lý cho việc triển khai công chứng điện tử đã được cụ thể hóa nhất định tại dự thảo Luật Công chứng và dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Công chứng sửa đổi. Với các quy định tại Điều 35 khoản 1 Dự thảo Nghị định chi tiết hiện tại sẽ tạo điều kiện dễ dàng cho công chứng điện tử đối với cả hồ sơ doanh nghiệp.
Hiện nay, khung pháp lý và cơ sở hạ tầng tạo nền tảng ứng dụng công chứng điện tử ở Việt Nam đang được đẩy nhanh tiến độ để hệ thống này có thể đi vào đời sống, tiếp cận hỗ trợ cho người dân cũng như doanh nghiệp. Công chứng điện tử được áp dụng sẽ là cơ hội để kết nối liên thông cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, nếu công chứng viên được quyền dễ dàng truy cập vào cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và ngược lại sẽ thúc đẩy nhanh chóng thủ tục công chứng hồ sơ doanh nghiệp và đảm bảo tính xác thực của hồ sơ doanh nghiệp.