LTS: Những ngày qua, sữa giả trở thành chủ đề nóng, thu hút sự quan tâm đặc biệt trong xã hội sau khi Bộ Công an thông tin về vụ án sản xuất, buôn bán sữa giả tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group. Đây không còn là những vụ làm ăn phi pháp thông thường mà là hành vi đầu độc sức khỏe người tiêu dùng qua thực phẩm mang danh nghĩa bổ dưỡng.
Vấn nạn nguy hiểm
Vụ làm giả gần 600 nhãn hiệu sữa bột các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non và phụ nữ có thai bị phanh phui khiến người tiêu dùng cả nước bàng hoàng và phẫn nộ trước vấn nạn thực phẩm giả đang ngày càng nhức nhối trong xã hội.
Vấn nạn sữa giả không chỉ gây hại cho sức khỏe người dân, nó còn ảnh hưởng, gây tổn thất cho kinh tế toàn cầu, đánh thẳng vào niềm tin xã hội và đạo đức kinh doanh.

Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm nêu rõ, thực phẩm chức năng được quy định gồm 4 nhóm (thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt), trong đó nhóm thực phẩm bổ sung có thể tự công bố.
Chính sách này được xem là bước cải cách tích cực, nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động linh hoạt, chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, không ít trường hợp đã lợi dụng điều này để sản xuất và kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, dán nhãn “sữa bột cao cấp”, “sản phẩm dinh dưỡng”... rồi quảng cáo thổi phồng, đánh lừa người tiêu dùng.
Trong 4 năm, gần 600 nhãn hiệu sữa bột giả với những lời quảng cáo như: chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo… được tiêu thụ rộng rãi, thậm chí xuất hiện tại một số bệnh viện là nơi được người dân đặt nhiều niềm tin nhưng không hề được lấy mẫu kiểm nghiệm, không có cuộc thanh tra nào được tiến hành.
Không chỉ vậy, các sản phẩm sữa giả trên còn xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, được một số người nổi tiếng và chuyên gia y tế quảng cáo rầm rộ. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của các cơ quan quản lý ở đâu khi hàng loạt sản phẩm không rõ chất lượng lại có thể tràn lan trên thị trường, trong khoảng thời gian dài như vậy?
TPHCM thu giữ 2.654 hộp sữa vi phạm
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TPHCM diễn ra vào chiều 24-4, ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết, đến nay, các đội quản lý thị trường trên địa bàn thành phố chưa phát hiện vụ việc nào có dấu hiệu sản xuất hoặc kinh doanh sữa giả.
Từ năm 2024 đến quý 1-2025, lực lượng Quản lý thị trường TPHCM đã kiểm tra, xử lý 590 vụ vi phạm liên quan đến thực phẩm.
Riêng mặt hàng sữa, có 7 vụ bị phát hiện với số lượng 2.654 hộp sữa các loại và 40kg sữa bột, trị giá hơn 188 triệu đồng; các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng.
Cấp thiết “vá” lỗ hổng quản lý
Hàng gian, hàng giả, nhập lậu, trốn thuế đang là vấn nạn cực kỳ nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội khiến cử tri và nhiều người dân bức xúc. Thực tế trong 4 năm qua, không có ai kiểm tra sản phẩm sữa và thực hư chất lượng sữa ra sao.
Vụ việc gần 600 loại sữa giả tuồn ra thị trường trong một thời gian dài không chỉ là hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng trong quản lý mà còn đặt ra vấn đề cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành; việc đồng bộ giữa khung pháp lý, cơ chế thực thi và trách nhiệm của doanh nghiệp - cá nhân có sức ảnh hưởng (KOL) và người tiêu dùng.
Cùng đó, rất cần sự vào cuộc, giám sát chặt chẽ của toàn xã hội để ngăn chặn những vụ việc tương tự. Cụ thể, cơ quan chức năng cần quy định bắt buộc có nghiên cứu lâm sàng, đặc biệt với sản phẩm dành cho trẻ dưới 6 tuổi hoặc người bệnh. Với sản phẩm sữa nhập khẩu, phải yêu cầu giấy phép lưu hành và đánh giá an toàn từ nước xuất xứ, thay vì chỉ dựa vào giấy chứng nhận lưu hành tự do.
Bên cạnh đó, cần quản lý chặt hoạt động tiếp thị, quảng cáo và hậu kiểm; tăng cường hậu kiểm ngẫu nhiên, nhất là với các dòng sữa dành cho trẻ em, người già - đối tượng rất nhạy cảm và dễ bị tổn thương…
Cần mạnh tay với những hành vi vô nhân đạo, trục lợi bất chấp sức khỏe của cộng đồng bằng những hình phạt thật nghiêm minh như tăng mức phạt tù đối với cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…
Tuy nhiên, mọi mức án và hình phạt, dù nặng đến đâu đều không thể chuộc lại được những gì mà những kẻ sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm gây ra, bởi đó là hành vi tán tận lương tâm, là sự đầu độc đối với sức khỏe con người, nhất là với những người lẽ ra cần được bảo vệ.
TS-BS LƯU NGÂN TÂM, Chủ tịch Hội Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và đường tiêu hóa Việt Nam:
Nguy cơ sữa giả “đạo” công thức sữa thật
Mối nguy cơ rất lớn là doanh nghiệp có thể sao chép công thức của nhãn hàng sữa uy tín, đưa vào hồ sơ đăng ký sản phẩm, rồi tự công bố và tham gia đấu thầu vào các bệnh viện.
Trong trường hợp hồ sơ và công thức của sản phẩm sao chép và sản phẩm thật giống nhau, khi cùng tham gia đấu thầu, sản phẩm sao chép có thể trúng thầu vì có giá thành thấp hơn. Đây là một kẽ hở nằm ngoài khả năng kiểm soát của bệnh viện mà chúng tôi đã nhận thấy từ lâu.
Vì vậy, trước khi đưa sản phẩm sữa vào vòng đấu thầu, sự tham mưu chuyên môn từ lãnh đạo khoa dinh dưỡng rất quan trọng.
Lãnh đạo khoa sẽ kiểm duyệt độ uy tín của doanh nghiệp sữa tham gia đấu thầu ở phạm vi trong nước hoặc thế giới (với doanh nghiệp nước ngoài); xem xét sản phẩm có công thức dinh dưỡng theo đúng các khuyến cáo chuẩn về dinh dưỡng lâm sàng hay không.
Bác sĩ sẽ ưu tiên các thương hiệu uy tín, lâu năm và công thức phù hợp với người bệnh. Nhiều nhãn hiệu sữa mới, có tên rất lạ cũng thường liên hệ chúng tôi, nhưng rõ ràng, xét về độ uy tín, tên tuổi, lâu năm… chúng tôi sẽ từ chối. Khâu kiểm duyệt ban đầu càng chặt chẽ, kỹ lưỡng thì nguy cơ hàng kém chất lượng lọt vào khâu đấu thầu sẽ càng thấp.
TS-BS HÀ ANH ĐỨC, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế):
Ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh
Việc xuất hiện các sản phẩm sữa do công ty sản xuất sữa giả đưa vào một số cơ sở y tế là vấn đề hết sức nhức nhối, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.
Bộ Y tế đã và đang yêu cầu các bệnh viện rà soát toàn bộ việc sử dụng sản phẩm sữa, bao gồm thời điểm bắt đầu, đối tượng sử dụng, đảm bảo truy xuất được người bệnh đã dùng sản phẩm.
Nếu có vấn đề sức khỏe phát sinh liên quan đến sữa, cơ sở y tế phải chịu trách nhiệm tư vấn và hỗ trợ người bệnh.
THÀNH AN - GIAO LINH ghi