Ngày 6-7, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc làm việc với Ban soạn thảo dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), nhằm thống nhất quan điểm về những vấn đề lớn để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục hiện hành.
Đáng lưu ý, qua tiếp thu ý kiến ĐBQH, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát tổng thể để sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục, đổi tên thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Báo cáo tại phiên họp của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết đã tổng hợp các ý kiến góp ý thành 17 vấn đề lớn, trong đó tiếp thu 11 vấn đề, giải trình 5 vấn đề và xin ý kiến 1 vấn đề.
Theo đó, về hệ thống giáo dục quốc dân, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính mở, liên thông, phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân; xác định sơ đồ liên thông, liên kết trong hệ thống giáo dục quốc dân; từ đó xác định các nguyên tắc, chính sách, cơ chế để vận hành hệ thống giáo dục quốc dân.
Về mạng lưới cơ sở giáo dục, quy định rõ khung pháp lý hoạt động của cơ sở giáo dục; trường hợp và nguyên tắc chuyển đổi loại hình trường; cần quy định về quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục (quy định tiêu chí, tiêu chuẩn làm căn cứ quy hoạch…); hệ thống cơ sở giáo dục thường xuyên (về tên gọi; quy trình sáp nhập, quản lý các trung tâm…); quy định khung pháp lý cho cơ sở giáo dục ngoài công lập (cả nhà trường và cơ sở giáo dục khác).
Về chính sách cho người học và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, bảo đảm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu và tính công bằng trong thụ hưởng; đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo đúng vị thế, rõ quy hoạch…
Về đầu tư tài chính và trách nhiệm cộng đồng, quy định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, doanh nghiệp, đoàn thể, địa phương đối với giáo dục…
Thứ năm, về quản lý giáo dục, làm rõ các khái niệm như quản lý nhà nước, quản trị nhà trường, từ đó xác định nội dung quyền hạn, trách nhiệm, phân cấp phân quyền trong quản lý nhà nước; quy định về tự chủ trong nhà trường, bảo đảm đồng bộ với pháp luật có liên quan về quản lý đầu tư, tài chính, nhân sự; tăng cường tiền kiểm và hậu kiểm khi trao quyền tự chủ cho nhà trường.
Đặc biệt, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình nhấn mạnh yêu cầu “thiết kế được những điều luật thực sự vì người học”, bám sát tinh thần Nghị quyết 29 và Hiến pháp 2013.