Ủy ban Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam vừa có cuộc làm việc chuẩn bị cho dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Tổng LĐLĐ đã đăng tải hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) lấy ý kiến nhân dân trên Cổng thông tin điện tử Tổng Liên đoàn từ ngày 22-12-2022 đến ngày 29-1-2023.
Một số nội dung quan trọng đề nghị sửa đổi, theo ông Ngọ Duy Hiểu, bao gồm quy định về tổ chức bộ máy công đoàn; cơ chế quản lý cán bộ công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động…
Bên cạnh đó, bổ sung sửa đổi việc tuyển dụng, định danh và chính sách tiền lương cho cán bộ công đoàn chuyên trách tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập; quy định cụ thể hơn hệ thống tổ chức của Công đoàn Việt Nam.
Đáng chú ý, dự kiến sẽ tách bạch quyền giám sát của Công đoàn Việt Nam thành một quyền riêng mang tính độc lập, chủ động của công đoàn theo hướng “Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra; chủ động thực hiện quyền giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động".
Đối với chính sách "Hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam" sẽ được sửa đổi, bổ sung quy định về phân phối kinh phí công đoàn; sửa đổi, bổ sung quy định bảo đảm công khai, minh bạch trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn; bổ sung quy định về miễn, giảm kinh phí công đoàn.
Với chính sách về "Hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động 2019" sẽ sửa đổi điều 1 (Công đoàn); bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp; sửa đổi, bổ sung điều 9 (Những hành vi bị nghiêm cấm) theo hướng quy định chi tiết hơn các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn; sửa đổi, bổ sung điều 10 Luật Công đoàn về đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Trong tháng 2-2022, Tổng LĐLĐ sẽ gửi văn bản lấy ý kiến Chính phủ về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Trước ngày 1-3-2022, sẽ gửi hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.