Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng cho biết, việc xử lý vi phạm về khai thác cát trái phép còn quá nhiều bất cập.
Phạt chưa tương xứng với giá trị thu lợi
Báo cáo với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), UBND TPHCM cho biết các mức phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép còn rất thấp so với giá trị thu lợi từ hoạt động này; đồng thời, Nghị định 33/2017 chỉ quy định hình thức xử lý bổ sung là tịch thu phương tiện đối với lượng cát khai thác trái phép từ 50m3 trở lên, còn dưới 50m3 thì không, nên các đối tượng có tái phạm nhiều lần cũng không thể tịch thu phương tiện. Mức xử phạt như hiện nay là chưa đủ sức răn đe.
Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 126 Luật Xử phạt vi phạm hành chính năm 2012 quy định rõ: đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp.
Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp vào một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. Lợi dụng quy định này, các chủ sở hữu phương tiện thường làm hợp đồng cho người vi phạm hành chính thuê (nhiều trường hợp, thực chất người vi phạm chỉ là người làm thuê cho chủ phương tiện).
Tuy nhiên, các đối tượng vi phạm (người làm thuê) thường có điều kiện kinh tế khó khăn nên việc buộc phải nộp khoản tiền tương đương giá trị tang vật, phương tiện vào ngân sách nhà nước (thông thường phương tiện thường sử dụng để khai thác cát có giá trị 5 - 10 tỷ đồng) là rất khó thực hiện.
Cùng với đó, Nghị định 33/2017 không quy định xử phạt đối với hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp. Lợi dụng kẽ hở này, khi bị cơ quan kiểm tra phát hiện, truy đuổi, các đối tượng khai thác cát trái phép thường sử dụng 2 phương tiện song song, gồm phương tiện gắn thiết bị bơm hút cát vào phương tiện vận chuyển, để khi phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra thì 2 phương tiện tách rời nhau. Do đó rất khó khăn cho công tác xác định, xử lý hành vi vi phạm.
Theo luật định, đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt bổ sung là tổ chức, cá nhân vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả, nếu không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 166/2013 (về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính) lại không quy định trình tự, thủ tục thực hiện biện pháp cưỡng chế buộc khắc phục hậu quả, nên các lực lượng chức năng khó thực hiện.
Kiến nghị xử phạt lên đến 1 tỷ đồng
Theo Sở TN-MT TPHCM, đầu năm 2019 đến nay, lực lượng biên phòng TPHCM phát hiện bắt giữ 30 vụ khai thác cát trái phép với 90 đối tượng và nhiều ghe, xử phạt hơn 706 triệu đồng; cảnh sát đường thủy cũng tổ chức bắt 15 vụ.
Trước thực trạng “cát tặc” lộng hành trên địa bàn TPHCM, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã yêu cầu cơ quan chức năng đẩy mạnh các biện pháp xử lý; đồng thời đề nghị lực lượng biên phòng TPHCM phối hợp tốt với các tỉnh, thành giáp ranh để công tác tuần tra, xử lý khai thác cát trái phép hiệu quả hơn.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cũng gợi ý việc thành lập tổ liên ngành cấp tỉnh, thành nhằm kịp thời thông tin, hỗ trợ nhau trong xử lý hành vi khai thác cát trái phép, nhất là các điểm tập kết cát địa bàn giáp ranh với TPHCM. Liên quan đến những bất cập nói trên, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu UBND TPHCM dự thảo những điều cần bổ sung, sửa đổi Nghị định 33/2017 cho phù hợp với thực tiễn, sớm trình các cấp có thẩm quyền.
Với chỉ đạo trên, UBND TPHCM vừa ban hành Đề án “Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TPHCM với các tỉnh”.
Đề án nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, đấu tranh ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép, hoạt động vận chuyển, kinh doanh khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn thành phố; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp, đảm bảo tính liên thông giữa các địa phương, các sở ngành. Thời gian thực hiện đề án từ nay đến hết ngày 31-12-2021.
Đồng thời, UBND TPHCM đã có văn bản gửi Bộ TN-MT, kiến nghị bổ sung một số quy định trong Nghị định 33/2017 nhằm khắc phục những bất cập trong việc xử lý vi phạm khai thác cát trái phép; đảm bảo tính răn đe và tính khả thi trong việc thi hành.
Cụ thể, TPHCM kiến nghị bổ sung chế tài bằng hình thức đình chỉ phương tiện hoạt động có thời hạn (từ 6 tháng trở lên) đối với các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu phương tiện nhưng để các đối tượng thuê, mượn phương tiện này sử dụng vào mục đích khai thác cát trái phép nhiều lần (từ 2 lần trở lên).
Kiến nghị điều chỉnh mức xử phạt theo hướng tăng mạnh, như xem xét mức tiền phạt đối với hành vi khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, không sử dụng vật liệu nổ công nghiệp lên 1 tỷ đồng - là mức phạt tối đa trong lĩnh vực khai thác khoáng sản.
Đồng thời, quy định hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện đối với tất cả các hành vi vi phạm khai thác cát trái phép. Bổ sung nội dung quy định xử phạt đối với hành vi vận chuyển, sử dụng khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Để bảo đảm tính khả thi trong việc thi hành và cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả, đề nghị bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục biện pháp cưỡng chế thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Nghị định 33/2017.