Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 18-12, cho ý kiến về các dự án luật được Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, qua 5 năm thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), trong 40.000 vụ phạm tội liên quan đến vũ khí và vật liệu nổ thì có trên 58% các vụ án liên quan đến việc sử dụng dao và vũ khí thô sơ; nhiều vụ rất nghiêm trọng như giết người, bắt cóc, buôn bán ma túy, cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ. Trong số các vụ án này, có nhiều công an đang thi hành nhiệm vụ bị thương và hy sinh.
“Do đó, đặt ra thực tế rất cần thiết sửa đổi dự án luật”, ông nói. Với tính chất cấp bách của tình hình, ông Lê Tấn Tới đề nghị thông qua dự án luật này trong một kỳ họp theo hình thức rút gọn.
Liên quan đến Luật Phòng, chống mua bán người, qua hơn 10 năm thi hành, luật đã tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, quá trình thực thi luật cũng đã bộc lộ một số tồn tại, khó khăn, bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, quan điểm của Đảng về công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới cũng cần được thể chế hóa. Hiến pháp cùng các luật có liên quan đã được sửa đổi. Do đó, luật này cũng cần được sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì lập đề nghị cần tiếp tục bổ sung ý kiến của Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là cơ quan được giao nhiệm vụ tuyên truyền trong công tác phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em, và một số bộ, ngành, địa phương khác có liên quan.
Về Luật Hóa chất, các ý kiến tại phiên họp cũng đồng tình bổ sung vào chương trình. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, liên quan đến tiền chất về sản xuất ma túy, tại hội nghị Interpol vừa qua cũng đã đề cập đến vấn đề này. “Ma túy tổng hợp mới gây những tác hại cực kỳ nguy hiểm cho xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nói, khẳng định sự cần thiết của việc sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hóa chất.
Vẫn theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, tình trạng mua bán người cũng diễn biến phức tạp, nhất là sau đại dịch Covid-19. Tội phạm lợi dụng làn sóng di cư để mua bán người và thực hiện các hành vi phạm tội khác.
Đặc biệt, liên quan đến Luật Quản lý vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, không phải là năm nay mới nghiên cứu, mà trong 5 năm vừa qua thực hiện, hàng năm đều có tổng hợp và kiến nghị về những sơ hở, bất cập trong quá trình áp dụng luật mà các đối tượng lợi dụng, nhất là trong hoạt động không gian mạng và sau đại dịch Covid-19 vừa qua.
Phát biểu về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng việc sửa đổi, bổ sung quy định về khái niệm vũ khí, linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ và vật liệu nổ công nghiệp mới, quy định về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu “dao có tính sát thương cao” là cần thiết nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Liên quan đến chính sách cho phép tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ cho Việt Nam để phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ bổ sung nội dung tổng kết thực tiễn; đánh giá thận trọng sự phù hợp của chính sách này với chính sách quốc phòng “4 không” của Nhà nước ta. Đồng thời rà soát các điều ước quốc tế liên quan đến vũ khí, việc cho, tặng, viện trợ vũ khí. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội, dự án luật cần được Quốc hội xem xét theo quy trình 2 kỳ họp để đảm bảo tính chặt chẽ và khả thi.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc trình các nội dung phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý các bộ ngành, trong đó Bộ Tư pháp tham mưu với Chính phủ cần hạn chế các dự án trình UBTVQH xem xét quyết định bổ sung vào chương trình. Mặc dù luật có cho phép UBTVQH xem xét điều chỉnh chương trình nhưng chỉ bất đắc dĩ mới bổ sung, còn chương trình xây dựng luật pháp lệnh hàng năm do Quốc hội quyết định.
Trong số các nội dung cụ thể, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự án Luật Hóa chất (sửa đổi) có liên quan chặt chẽ và tác động rất lớn đến sản xuất tiêu dùng, phòng chống tội phạm… nên phải xin ý kiến, đánh giá tác động rất kỹ, nhất là phải tập hợp ý kiến của các hiệp hội, cơ quan đại diện cho người sản xuất và người tiêu dùng; không đặt ra những quy định làm khó cho doanh nghiệp và cho người dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, phạm vi điều chỉnh của dự án luật này có những vấn đề giao thoa về quản lý nhà nước.
“Đối với quản lý tiền chất ma túy, có những loại do Bộ Công thương quản lý, có những loại do Bộ Y tế quản lý; liên quan đến xuất nhập khẩu thì Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan; vấn đề tiêu chuẩn, quy chuẩn nhiều loại hóa chất này liên quan Bộ KH-CN… Bên cạnh đó, nhiều nội dung được quy định trong các nghị định hướng dẫn, cần cố gắng luật hóa để đảm bảo chặt chẽ, khả thi”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.