Trong đó, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp trong thực tiễn áp dụng thời gian qua, góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình xét tặng mà vẫn bảo đảm tính khách quan, công bằng và tôn vinh giá trị của danh hiệu vinh dự Nhà nước.
Triển khai thực hiện Nghị định 89 từ năm 2015 đến nay, tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc trong quá trình xét tặng danh hiệu do một số quy định chưa phù hợp thực tiễn. Đơn cử, về cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống, việc đào tạo diễn viên do các trường VHNT chuyên nghiệp đào tạo nhưng có không ít nghệ sĩ được đào tạo mang tính truyền nghề.
Các nghệ sĩ đó phần lớn tuổi đời cao, có nhiều đóng góp cho nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương và tuồng cổ. Qua đợt xét tặng danh hiệu gần đây, hội đồng các cấp thống nhất tính thời gian tham gia nghệ thuật chuyên nghiệp trên cơ sở thông tin cá nhân có xác nhận của ngành văn hóa địa phương, nơi cá nhân được xét hồ sơ. Với quy định này, sẽ tránh bỏ sót các nghệ sĩ có tài năng đặc biệt xuất sắc, có nhiều đóng góp ở một số lĩnh vực nghệ thuật truyền thống…
Trong nghị định sửa đổi nói rõ, các nghệ sĩ muốn làm hồ sơ xét danh hiệu NSƯT có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp từ 15 năm trở lên. Riêng đối với loại hình nghệ thuật xiếc, múa có thời gian từ 10 năm trở lên. Tương tự với xét tặng danh hiệu NSND, thời gian tăng lên 20 năm hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp.
Chuyện số lượng huy chương, giải thưởng từng “nóng” các kỳ xét tặng trước cũng là nội dung được điều chỉnh ở dự thảo nghị định lần này. Dự thảo nghị định quy định, trong tổng số giải thưởng mà cá nhân đạt được tính, phải có ít nhất 1 giải thưởng dành riêng cho cá nhân để khẳng định uy tín cá nhân của nghệ sĩ được xét danh hiệu. Xét tặng danh hiệu NSƯT đáp ứng tiêu chí có ít nhất 2 giải vàng quốc gia hoặc 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia, trong đó phải có 1 giải thưởng của cá nhân. Những NSƯT muốn được xét tặng danh hiệu NSND cũng phải có ít nhất 2 giải vàng quốc gia, trong đó phải có 1 giải vàng của cá nhân.
Liên quan tới việc xét huy chương trong xét tặng, đây cũng là nội dung nhận được nhiều ý kiến khi các nghệ sĩ khá thẳng thắn nhấn mạnh, việc danh hiệu chỉ xét tặng những nghệ sĩ có tài năng xuất chúng. NSND Ngô Văn Thành thẳng thắn: “Không thể cộng năm tháng thành NSƯT, cộng tiết mục thành NSND”. Với quy định bắt buộc phải có giải vàng cá nhân trong nghị định sửa đổi, được đánh giá là siết chặt tiêu chí xuất sắc trong hoạt động nghệ thuật, nhằm đảm bảo chất lượng danh hiệu, loại dần yếu tố cào bằng trong xét tặng.
Trong dự thảo cũng đưa ra nội dung xem xét, xét tặng danh hiệu cho đối tượng chưa đủ tiêu chuẩn về huy chương, là những nghệ sĩ lão thành, có nhiều đóng góp trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa nghệ thuật tại địa phương; các nghệ sĩ là đồng bào dân tộc, nghệ sĩ hoạt động trong các bộ môn nghệ thuật truyền thống tuồng, chèo, cải lương, ít có cơ hội tham gia các liên hoan, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng tích cực phát triển phong trào văn hóa, nghệ thuật tại địa phương...
Đại diện Bộ VH-TT-DL, cho biết thêm, để tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ sĩ thực sự tài năng, Bộ VH-TT-DL bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước.
Cụ thể, sẽ xem xét đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và bỏ phiếu đối với các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ, nhưng chưa đạt tỷ lệ phiếu đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định.