Sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu: Cần một "tấm áo mới" phù hợp

Ngày 14-5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công thương phối hợp tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, xăng dầu là mặt hàng đặc biệt, do đó đối với văn bản pháp lý nhằm quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu, cơ quan chức năng đang rất cân nhắc.

Hiện tại, Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu để thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Nội dung được sửa đổi, bổ sung quy định lần này là về: nguyên tắc điều hành, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu; giá bán xăng dầu tối đa; Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; hệ thống kinh doanh xăng dầu; tỷ lệ sở hữu vật chất kinh doanh; điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh (kinh nghiệm, năng lực thực hiện tổng nguồn xăng dầu, kho chứa)…

xangdau.jpg
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng nghị định cũ về quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu đã bộc lộ nhiều bất cập, do đó nghị định mới thay thế cần phải là một "chiếc áo phù hợp" hơn

Góp ý kiến tại hội thảo, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) đề nghị ban soạn thảo lược bớt những quy định quá chung chung để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nếu không, khi thực hiện các doanh nghiệp rất dễ mắc lỗi. Bên cạnh đó, dự thảo nghị định thay thế cần làm rõ nội dung doanh nghiệp có được mua hàng từ nhiều nguồn hay không, số lượng, chất lượng chịu trách nhiệm thế nào.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) phản ánh rằng, một số điểm trong dự thảo nghị định còn gây khó khăn cho doanh nghiệp đầu mối, trong đó có quy định về dự trữ lưu thông khi nâng số ngày dự trữ ở mức tối thiểu từ 20 ngày lên 30 ngày. Bên cạnh đó, dự thảo cũng chưa có quy định rõ Nhà nước công bố giá bán tối đa các mặt hàng xăng dầu, nguyên tắc xác định giá bán, công thức giá bán tối đa nhiên liệu sinh học. Do đó, cần phải có cơ quan quản lý nhà nước chủ trì để hướng dẫn nguyên tắc xác định giá bán xăng dầu và thực hiện công bố giá để làm cơ sở cho các doanh nghiệp thực hiện.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế Bộ Tài chính, nhận xét, câu chuyện về quản lý kinh doanh xăng dầu không phải là mới, mà là “câu chuyện đã nói suốt hơn 20 năm qua”. Sửa nghị định không chỉ là đạt mục tiêu “hài hòa lợi ích” các bên mà còn phải hướng đến mục tiêu cao hơn là ổn định thị trường xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. “Tôi mong rằng việc sửa nghị định lần này sẽ sát với thị trường hơn, "chiếc áo mới" sẽ phù hợp hơn”, TS Vũ Đình Ánh nói.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), đại diện cho cơ quan soạn thảo dự thảo nghị định cho biết, sẽ ghi nhận các ý kiến đóng góp và nghị định mới sẽ được xây dựng dựa trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước, gắn trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu tiêu thụ nội địa; giảm sự can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh doanh xăng dầu, xây dựng môi trường cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia.

Tin cùng chuyên mục