Tăng mức phạt
Bộ GTVT vừa trình Chính phủ xem xét dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 100 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt nhằm đồng bộ với Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Nội dung sửa đổi của Nghị định 100 tập trung vào việc tăng mức phạt đối với một số vi phạm, đồng thời bổ sung các quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý và quy trình cho lực lượng thực thi công vụ.
Cụ thể, dự thảo quy định mức phạt tiền 10-12 triệu đồng đối với cá nhân (hiện là 1-2 triệu đồng) và 20-24 triệu đồng đối với tổ chức (hiện là 2-4 triệu đồng) có hành vi bán biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, không phải là biển số do cơ quan nhà nước có thẩm quyền sản xuất, cho phép.
Bộ GTVT còn đề xuất tăng mức xử phạt đối với hành vi không đội nón bảo hiểm, hoặc đội nhưng không cài quai đúng quy cách với người đi mô tô, xe máy từ mức 200.000 - 400.000 đồng lên 400.000 - 600.000 đồng. Mức phạt này đối với người đi xe đạp máy, xe đạp điện cũng được đề xuất tăng từ mức 100.000 - 200.000 đồng lên 400.000 - 600.000 đồng.
Hành vi dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định, quay đầu xe trên đường cao tốc, mức phạt đề xuất nâng từ mức 6-8 triệu đồng lên 10-12 triệu đồng. Bộ GTVT còn đề xuất tăng mức xử phạt đối với người đua mô tô, xe máy, xe máy điện trái phép là 10-15 triệu đồng (thay cho mức hiện hành là 7-8 triệu đồng). Nếu đua ô tô, mức phạt là 20-25 triệu đồng (hiện nay là 8-10 triệu đồng).
Theo Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TPHCM), Nghị định 100 hiện nay quy định các mức xử phạt chưa đủ mạnh. Ví dụ, quy định một mức xử phạt hành vi người điều khiển mô tô, xe máy không có giấy phép lái xe (GPLX) hoặc GPLX không do cơ quan có thẩm quyền cấp, bị tẩy xóa hoặc không hợp lệ, chỉ từ 800.000 - 1,2 triệu đồng. Do đó, dự thảo sửa đổi Nghị định 100 dự kiến tăng mức phạt các hành vi này lên 1-2 triệu đồng là hợp lý.
“Thực tế hiện nay, nhiều trường hợp vi phạm cố tình không xuất trình GPLX, khai báo mất để trốn tránh việc bị tước GPLX. Vì vậy, phải tăng mức xử phạt để phần nào ngăn chặn tình trạng người vi phạm không xuất trình GPLX nói riêng, cũng như các hành vi vi phạm khác nói chung”, luật sư Nguyễn Thành Công phân tích.
Cần đề cao vai trò chính quyền các cấp
Cùng với việc tăng mức xử phạt, Bộ GTVT còn đề xuất tăng thẩm quyền xử phạt của một số chức danh. Theo đó, trưởng công an cấp xã, trưởng đồn công an được phạt tiền đối với các lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt lên đến 2,5 triệu đồng. Trưởng công an cấp huyện được quyền xử phạt lên đến 15 triệu đồng và giám đốc công an cấp tỉnh có quyền xử phạt lên đến 37,5 triệu đồng.
Cục trưởng CSGT, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Tư lệnh Cảnh sát cơ động cũng có quyền phạt tiền lên đến 75 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Kèm theo đó, chủ tịch UBND các cấp được quy định mức phạt cụ thể: Chủ tịch xã được phạt tiền đối với lái xe vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ, đường sắt là 5 triệu đồng; chủ tịch UBND cấp huyện có quyền phạt tối đa 37,5 triệu đồng và chủ tịch UBND cấp tỉnh được ra quyết định xử phạt tối đa 75 triệu đồng…
Theo luật sư Nguyễn Quốc Toản (Đoàn Luật sư TPHCM), những vụ đua xe trái phép trong thời gian qua gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân các tay đua và người tham gia giao thông, là nỗi ám ảnh cho xã hội, nhưng tình trạng này không giảm đáng kể do thiếu chế tài mạnh tay cũng như vai trò của chính quyền các cấp trong phát hiện, xử lý chưa đồng bộ.
“Với sửa đổi lần này, nghị định cần nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành chức năng ở các tỉnh, thành, xem công tác phòng, chống đua xe trái phép nói riêng và trật tự an toàn giao thông nói chung là trách nhiệm của mình, không chỉ là việc riêng của lực lượng công an”, luật sư Toản nhấn mạnh.
Trong khi đó, luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TPHCM) phân tích, việc đề xuất tăng thẩm quyền xử phạt của một số chức danh theo như dự thảo sửa đổi Nghị định 100 cũng là điều cần thiết để thuận tiện hơn trong việc xử phạt và tạo sự đồng bộ với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
“Tôi nghĩ rằng, việc sửa đổi là khá toàn diện, trong đó các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh được phân cấp xử phạt khá rõ ràng, linh hoạt và phù hợp. Có như vậy vừa nêu cao trách nhiệm của chính quyền vừa có tính răn đe cao hơn”, luật sư Trần Minh Hùng nói.