Phóng viên: Xin ông cho biết về những bất cập, hạn chế trong việc thực thi Luật SHTT hiện nay?
Hoạt động thực thi quyền SHTT cũng đang gặp phải không ít khó khăn, thách thức do hành vi xâm phạm quyền SHTT ngày càng tinh vi, phức tạp và diễn ra ngày càng phổ biến trên môi trường mạng. Cùng với đó, trong việc tuân thủ những điều ước quốc tế, cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) có yêu cầu cao về thực thi quyền SHTT mà Việt Nam tham gia gần đây như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)… đã đặt ra đòi hỏi phải sớm sửa đổi, bổ sung Luật SHTT cho phù hợp hơn với các quy định quốc tế.
Việc tham gia các FTA thế hệ mới, nhất là với những nước phát triển, đem lại điều gì cho Việt Nam trong việc phát huy các lợi ích từ thực thi quyền SHTT, thưa ông?
Cơ chế bảo hộ quyền SHTT vốn dĩ được coi là một công cụ để khuyến khích, thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, chống cạnh tranh không lành mạnh để đưa các sản phẩm sáng tạo, đặc biệt là công nghệ mới để phát triển kinh tế, phục vụ đời sống xã hội. Đáp ứng cam kết về SHTT trong các FTA thế hệ mới, bên cạnh việc góp phần tạo ra một môi trường tốt có khả năng thu hút chuyển giao công nghệ của nước ngoài để nâng cao chất lượng sản phẩm quốc nội, tạo điều kiện từng bước nâng cao năng lực công nghệ nội sinh, còn tạo thuận lợi cho cả doanh nghiệp Việt Nam trong việc hưởng lợi ích đối với thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo.
Tuy nhiên, tích cực tham gia hội nhập quốc tế cũng có nghĩa là ta phải chấp nhận luật chơi chung toàn cầu. Bên cạnh những lợi ích phải đánh đổi để tạo khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xâm nhập được thị trường quốc tế thì những khó khăn, thách thức trong tiến trình hội nhập cũng sẽ ngày càng nhiều. Việc tận dụng cơ hội, giảm thiểu thách thức hay cao hơn là biến thách thức trở thành cơ hội là công việc cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng của Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức khác trong xã hội.
Theo dự án đã được trình ra Quốc hội, việc sửa đổi Luật SHTT sẽ được thực hiện theo hướng nào?
Việc sửa đổi, bổ sung Luật SHTT được thực hiện theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, quyền SHTT được bảo vệ và thực thi hiệu quả, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về SHTT, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Cụ thể, sẽ vào 7 nhóm chính sách lớn, gồm: Đảm bảo quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách Nhà nước;
tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và thủ tục xác lập quyền SHCN; đảm bảo mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng trong bảo hộ quyền SHTT; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; nâng cao hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền SHTT; bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo hộ SHTT trong quá trình hội nhập.
Theo ông, Việt Nam cần ứng xử như thế nào để có thể vừa tuân thủ luật pháp quốc tế, đồng thời học hỏi, tiếp thu những tiến bộ KH-CN của nhân loại vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước?
Thời gian qua, Việt Nam nỗ lực duy trì một hệ thống SHTT phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Trong đó, Nhà nước chú trọng việc cân bằng lợi ích của chủ SHTT và lợi ích xã hội để một mặt bảo vệ thành quả đầu tư cho hoạt động sáng tạo của tổ chức, cá nhân, mặt khác coi trọng lợi ích của toàn dân. Theo thống kê của Cục SHTT, trong giai đoạn 2016-2020, trung bình hàng năm có khoảng 5.600 sáng chế nước ngoài nộp đơn đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Trong khi đó, theo công bố của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO), số lượng sáng chế được đăng ký bảo hộ trên toàn thế giới trong những năm gần đây trung bình là trên 3 triệu sáng chế/năm. Như vậy, nhiều công nghệ sẽ không được hưởng quyền bảo hộ đối với sáng chế trên lãnh thổ Việt Nam.
Theo nguyên tắc của hệ thống bảo hộ sáng chế, gần như tất cả các sáng chế đăng ký bảo hộ đều được công bố công khai và đây chính là kho tri thức công nghệ vô giá nếu biết cách khai thác hiệu quả và hợp lý. Đó là cơ hội rất tốt cho việc học hỏi, tiếp thu, vận dụng kịp thời những tiến bộ KH-CN của nhân loại vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.