Sửa đổi luật quá nhiều như người đang đi ô tô lại dừng để sửa

Thay đổi quá thường xuyên chương trình xây dựng pháp luật giống như người cứ đang đi ô tô lại dừng lại sửa, khó tránh khỏi trình vội, không đảm bảo chất lượng và nguy hại hơn là tạo ra rủi ro lợi ích nhóm - đại biểu (ĐB) Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nói.
Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Ảnh: VIẾT CHUNG
Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tại phiên họp Quốc hội sáng nay 23-5, thẳng thắn bình luận rằng hoạt động lập pháp hiện nay còn có 3 hạn chế cố hữu, ĐB Lê Thanh Vân nói: “Việc thường xuyên điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thể hiện tư duy lập pháp, tư duy chính sách thiếu nhất quán, tầm nhìn chưa xa. Việc điều chỉnh thường xuyên không khác gì việc người lái ô tô thỉnh thoảng đỗ lại sửa xe. Việc thay đổi thường xuyên các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đó là sự chưa chín muồi trong các kiến nghị lập pháp, không tránh khỏi lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ”. Hai hạn chế khác, theo ông, là chất lượng các đạo luật chưa cao và kỷ cương lập pháp chưa nghiêm, chưa có chế tài trách nhiệm rõ ràng với người đứng đầu.

ĐB nêu nhiều kiến nghị để khắc phục những hạn chế này, bao gồm việc khôi phục lại việc xây dựng chương trình luật, pháp lệnh cho toàn khóa, bám sát nghị quyết ĐH Đảng mỗi khóa để hoạch định chính sách lập pháp, xác định thứ tự ưu tiên và duy trì kỷ cương lập pháp theo chương trình đó, hạn chế tối đa việc điều chỉnh chương trình luật, pháp lệnh hàng năm.

Đáng lưu ý, ông đề nghị Thủ tướng phân công 1 Phó Thủ tướng phụ trách công tác xây dựng pháp luật, xây dựng thể chế để đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật của Chính phủ. “Trong nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm nay phải thể chế được quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư là xác định trách nhiệm của những người khởi xướng chính sách, đề xuất xây dựng pháp luật. Nếu đạo luật đó sau này có hại cho nước, cho dân thì phải chịu trách nhiệm”, ĐB Lê Thanh Vân phát biểu. Có quan điểm tương đồng, ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cũng cho rằng, số lượng dự án phải bổ sung sau khi Quốc hội đã quyết định chương trình xây dựng pháp luật còn lớn, thể hiện tính dự báo của chương trình chưa cao.

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn)

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn)

Liên quan đến dự án Luật Chuyển đổi giới tính, ĐB Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, đây là các chính sách liên quan chặt chẽ đến quyền con người, quyền công dân, là một bước cụ thể hóa các quy định của hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Do đó, trong trường hợp dự án được Quốc hội quyết định đưa vào chương trình, ĐB đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết về chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 quy định rõ trách nhiệm các cơ quan hữu quan trong việc hỗ trợ ĐB Nguyễn Anh Trí soạn thảo luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, để tạo cơ sở pháp lý cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ĐB Phạm Trọng Nghĩa đề nghị Quốc hội xem xét sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật để ban hành luật hoặc Nghị quyết quy định những vấn đề về nguyên tắc, về cơ chế pháp lý để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc hình thành các sandbox trong từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể…

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM)

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM)

Tham gia ý kiến về chương trình, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị bổ sung Luật Thương mại vào chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Trước ĐB Nghĩa, ĐB Lê Xuân Thân có chung đề xuất này. “Từ năm 2005 đến nay, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định và công ước quốc tế, công nghệ số, thương mại số phát triển mạnh trong bối cảnh kinh tế thế giới phát triển không ngừng. Luật Thương mại 2005 đã quá lạc hậu”, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhận định.

Tin cùng chuyên mục