Ngày 8-10, tại Hà Nội, Ủy ban TƯ MTQT Việt Nam tổ chức hội nghị giám sát, xem xét những bất cập và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013.
Theo báo cáo kết quả giám sát và kiến nghị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 của Ủy ban TƯ MTQT Việt Nam, qua thực hiện các quy định của Luật Đất đai gần 10 năm, bên cạnh những ưu điểm thì Luật Đất đai đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.
Những hạn chế, bất cập đó xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có những nguyên nhân do khâu tổ chức thực hiện, có nguyên nhân là do các quy định của Luật Đất đai hiện hành còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ, còn có quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai trái với quy định của Luật Đất đai, còn chưa thống nhất với các quy định của các luật có liên quan khác hoặc không phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.
Đặc biệt, về giá đất, báo cáo cho rằng, một trong những nguyên tắc định giá đất là "phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường", nhưng trên thực tế hầu như thoát ly khỏi giá cả thị trường. Điều này dễ dẫn đến bất cập khi thu hồi đất, giá bồi thường quá xa giá thị trường.
Mặc dù Điều 115 và Điều 116 có nói đến tư vấn giá đất nhưng cũng chưa có quy định bảo đảm cho tổ chức tư vấn giá đất thực sự có vị trí độc lập... do vậy giá đất còn mang nặng tính "áp đặt". Còn nhiều vướng mắc, bất cập trong quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải quyết tranh chấp về đất đai.
Giá đất để làm cơ sở bồi thường khi nhà nước thu hồi đất do UBND cấp tỉnh quy định thường có mức chênh lệch với giá trị thị trường. Điều này khiến cho người sử dụng đất gặp nhiều khó khăn trong việc khôi phục lại tình hình canh tác, sản xuất và sinh hoạt sau khi bị thu hồi đất. Bên cạnh đó, nếu trong trường hợp không được giải đáp thắc mắc kịp thời có thể dẫn đến người sử dụng đất không đồng ý về giá đất bị thu hồi…
Từ nội dung giám sát, Ban Thường trực Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị Quốc hội chỉ đạo sửa đổi, bổ sung luật Đất đai năm 2013 và đồng bộ, thể chế những nội dung mới qua hoạt động giám sát mà MTTQ Việt Nam đề xuất, kiến nghị. Việc tổ chức sửa đổi Luật Đất đai 2013 phải được thực hiện công phu, nghiêm túc, toàn diện, triệt để. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tích cực chuẩn bị nội dung sửa đổi, bổ sung, làm rõ những vấn đề có ý kiến khác nhau; tổ chức các hình thức tọa đàm, trao đổi, lấy ý kiến rộng rãi để đạt sự đồng thuận cao.
Theo ông Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, nhiều quy định của Luật Đất đai chưa tương thích, đồng bộ với những Luật khác, nhất là những văn bản mới được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế trong thời gian gần đây, tạo khoảng trống pháp lý, kẽ hở để nhiều tổ chức, cá nhân trục lợi, phát sinh nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện trong nhân dân… Những năm gần đây các khiếu nại, tổ cáo phức tạp, kéo dài... chủ yếu liên quan đến công tác bồi thường, thu hồi đất.
“Bất cập lớn nhất là vấn đề giá đất, đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến bức xúc của người dân trong vấn đề đất đai, nhất là trong bồi thường giải phóng mặt bằng. Sửa đổi Luật lần này cần phải giải quyết được những bất cập này”, ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.
Các ý kiến tại hội thảo cũng tập trung thảo luận về các bất cập khi thu hồi đất, giá bồi thường quá xa giá thị trường… khiến người dân bức xúc. Giá đất khi Nhà nước thu hồi đất còn một số bất cập, nhất là cơ chế xác định chưa hợp lý dẫn đến việc giá đất do Nhà nước quy định và quyết định thường thấp hơn so với thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra khiếu nại trong quản lý đất đai, vướng mắc khi thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khi Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Do đó, cần xây dựng cơ chế xác định giá đất đảm bảo nguyên tắc thị trường, trong đó cần đảm bảo người dân được tham gia sâu, rộng rãi và đủ tính đại diện trong tham vấn ý kiến về giá đất.