Sửa đổi, bổ sung chính sách tạo động lực cho nghệ sĩ cống hiến

Ngành nghệ thuật biểu diễn đã có bước phát triển đáng kể trong những năm qua, với hàng loạt chương trình và tác phẩm nghệ thuật phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, một trong những yếu tố cản trở sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của lĩnh vực này chính là sự bất cập trong chính sách đãi ngộ đối với người lao động chuyên môn.

 Ảnh: QUANG PHÚC
Ảnh: QUANG PHÚC

Đãi ngộ chưa phù hợp

Nghệ thuật biểu diễn là một lĩnh vực đòi hỏi sự cống hiến hết mình, không chỉ về mặt thời gian mà còn cả tâm huyết và tài năng. Tuy nhiên, những người lao động chuyên môn trong ngành nghệ thuật biểu diễn, đặc biệt là các diễn viên, đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc.

Mặc dù họ đã trải qua một quá trình đào tạo khắc nghiệt, như xiếc, múa... từ 7 đến 12 năm, và có tuổi nghề ngắn, nhưng với mức thu nhập thấp và chế độ đãi ngộ chưa phù hợp, nhiều nghệ sĩ không thể toàn tâm, toàn ý với nghề. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung chính sách đối với người lao động trong ngành nghệ thuật biểu diễn là một yêu cầu cấp thiết, để khuyến khích họ cống hiến hết mình cho sự phát triển của nghệ thuật nước nhà.

Một ví dụ điển hình là mức thu nhập của các diễn viên, mặc dù có thâm niên cống hiến lâu dài nhưng vẫn chỉ đạt mức thấp. Với những viên chức, người lao động trong ngành nghệ thuật biểu diễn có thâm niên 10 năm, thu nhập chỉ dao động hơn 5 triệu đồng/tháng, con số quá thấp so với mức chi tiêu sinh hoạt hiện nay.

Mức phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp hiện nay vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu cơ bản của các nghệ sĩ. Chế độ bồi dưỡng luyện tập và biểu diễn cũng chưa thực sự phù hợp, làm giảm động lực sáng tạo của các nghệ sĩ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nghệ thuật.

Hơn nữa, việc thiếu các cơ chế hỗ trợ cho nghệ sĩ trong những giai đoạn khó khăn, đặc biệt đối với những nghệ sĩ lớn tuổi hoặc không còn khả năng biểu diễn, đang khiến cho nhiều người cảm thấy thiếu sự công bằng và động lực để tiếp tục công việc.

f315f8d4cdf077ae2ee1.jpg
Diễn viên xiếc là một trong những nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ảnh: QUANG PHÚC

Tạo động lực để nghệ sĩ toàn tâm toàn ý với nghề

Diễn viên và lực lượng sáng tạo luôn là trung tâm của sân khấu biểu diễn, không có lực lượng này, không có nghệ thuật biểu diễn. Thực tế, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn không thiếu những tài năng, có thanh, có sắc, song họ đang bị thu hút mạnh mẽ vào những lĩnh vực dễ trở thành sao như điện ảnh, ca múa nhạc giải trí hay sáng tạo nội dung số trên mạng xã hội...

Trong khi đó, với nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật cổ điển để nổi tiếng thì phải dày công khổ luyện, học tập bền bỉ, có khi hơn chục năm. Ngay cả khi đã đạt được những thành tích nổi bật thì đa số đào, kép chính ở các nhà hát truyền thống, diễn viên chính, chính thức ở nhiều nhà hát nghệ thuật cổ điển vẫn phải tất tả mưu sinh, có khi phải làm các nghề không liên quan đến nghệ thuật như chạy xe công nghệ, bán hàng online... để trang trải cuộc sống.

Ngoài việc điều chỉnh chế độ phụ cấp và bồi dưỡng, việc xây dựng các chính sách đặc thù cho nghệ sĩ cũng rất quan trọng. Cần có cơ chế đặc biệt để hỗ trợ các nghệ sĩ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt trong các giai đoạn nghệ sĩ phải phục vụ nhiệm vụ chính trị tại các vùng miền núi, hải đảo. Bổ sung thêm chế độ bồi dưỡng cho những nghệ sĩ tham gia các chương trình nghệ thuật phục vụ cộng đồng, giúp họ có thêm nguồn thu nhập và động lực để tiếp tục cống hiến...

Một chính sách quan trọng nữa là hỗ trợ đào tạo và thăng hạng cho diễn viên, đặc biệt đối với các bộ môn chưa có đào tạo đại học, để giúp họ nâng cao tay nghề và có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp. Việc này không chỉ giúp nghệ sĩ nâng cao năng lực mà còn đóng góp vào sự phát triển chung của ngành nghệ thuật biểu diễn.

Để nghệ sĩ có thể toàn tâm, toàn ý với nghề, cần một hệ thống chính sách hợp lý và bền vững, không chỉ giúp nâng cao thu nhập mà còn tạo ra những cơ hội phát triển nghề nghiệp lâu dài.

Chính sách đãi ngộ phải phù hợp với đặc thù của nghề nghệ thuật biểu diễn, nơi mà thời gian và công sức bỏ ra là vô cùng lớn, nhưng tuổi nghề lại ngắn và điều kiện làm việc khắc nghiệt.

Việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành, đặc biệt là về chế độ phụ cấp, bồi dưỡng và tuổi nghỉ hưu, là bước đi quan trọng để khuyến khích các nghệ sĩ tiếp tục cống hiến, giữ gìn và phát triển nghệ thuật biểu diễn, góp phần nâng cao giá trị văn hóa của đất nước.

Tin cùng chuyên mục