Những con số nhức nhối
Theo thông báo, trong nhiệm kỳ XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 87.210 đảng viên; trong đó, có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và nghỉ hưu. Các cấp ủy đã phát hiện, xử lý kỷ luật 25.104 đảng viên suy thoái hoặc có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, chiếm 0,5% tổng số đảng viên toàn Đảng. Đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống chiếm tỷ lệ cao nhất, với 15.101 đảng viên (chiếm 60,1% tổng số đảng viên bị xử lý kỷ luật). Tiếp đến là đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị với 8.281 đảng viên (chiếm 33% tổng số đảng viên bị xử lý kỷ luật). Số đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là 1.722 trường hợp (chiếm 6,9% tổng số đảng viên bị xử lý kỷ luật).
Câu hỏi đặt ra là có phải nhiều cán bộ, đảng viên ngày càng hư hỏng, hay do Đảng đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và thực hiện kỷ luật nghiêm minh?
Quan sát những gì Đảng đã làm nhiều năm qua, có thể khẳng định, đội ngũ cán bộ, đảng viên suy thoái, thoái hóa, biến chất bị kỷ luật tăng có nguyên do Đảng đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn và tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh.
Có những ý kiến cho rằng việc ban hành các quy định luật pháp chặt chẽ và xử lý nghiêm minh theo pháp luật sẽ khiến cán bộ, đảng viên sợ và không dám phạm lỗi hoặc không dám vi phạm pháp luật. Đây là một ý kiến không phải không có lý, nhưng câu hỏi ngược lại là tại sao cũng chức trách, nhiệm vụ ấy, có người phạm sai lầm, khuyết điểm, có người lại thật sự trong sáng, mẫu mực. Trong thực tế, nếu ai đó không trong sáng thì họ sẽ có muôn vàn mưu mô khác nhau để né luật, lách luật. Xét đến cùng, pháp luật chỉ là cái tối thiểu của đạo đức và điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra từ rất sớm.
Nghiêm trị cũng là cách răn đe, ngăn ngừa vi phạm
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là về đạo đức. Trong tác phẩm nổi tiếng có tên “Sửa đổi lối làm việc”, Người chỉ ra rất nhiều hạn chế, thói hư, tật xấu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và chỉ ra cách khắc phục những hạn chế, yếu kém. Từ rất sớm, Người cũng chỉ ra các biểu hiện thoái hóa về đạo đức của cán bộ, đảng viên là do thiếu tu dưỡng, rèn luyện và sa vào chủ nghĩa cá nhân. Người khẳng định những người do cá nhân chủ nghĩa nên ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa… Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm.
Suốt bề dày lịch sử của Đảng, đã có biết bao cán bộ, đảng viên chân chính tận tâm, trách nhiệm vì công việc và có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của xã hội. Gần đây, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp kéo dài, nhiều đảng viên lăn xả tham gia với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Họ đã thể hiện trách nhiệm tiên phong trước Đảng, trước dân. Nhưng, thực tế vẫn còn đó những người chỉ biết lo nghĩ đến bản thân, người thân, “nhóm lợi ích” mà sao nhãng hoặc tham ô, tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật đến mức phải bị xử lý kỷ luật.
Những năm qua, Đảng đã thực hiện kỷ luật nghiêm minh nên có nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, xử lý kỷ luật Đảng hay xử lý về mặt chính quyền, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, trước là nghiêm trị những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất, vi phạm và giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, ngăn ngừa vi phạm về sau.
Cho nên, chống chủ nghĩa cá nhân phải sửa chữa sai lầm và tu dưỡng về đạo đức. Đó là việc mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn thấm nhuần niềm tin, lý tưởng và chức trách, nhiệm vụ được giao và thường xuyên, tự giác tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức. Ngoài ra, các tổ chức Đảng thực hiện tốt, thường xuyên nội dung tự phê bình và phê bình để giúp đảng viên tự soi rọi, nhận thức lại và có các suy nghĩ, hành động đúng đắn. Cùng với đó là việc làm tốt công tác cán bộ, để lựa chọn được đội ngũ cán bộ thật sự tận tâm và tâm huyết. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Tại sao trong phòng chống dịch Covid-19, trên cùng một thành phố hoặc tỉnh thì có quận, huyện làm tốt, có nơi làm không tốt? Chắc chắn có rất nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân quan trọng là do “cán bộ tốt hoặc kém”.
Vì sao có những người có học vấn như nhau, giữ các cương vị như nhau, chỉ khác nhau ở nơi công tác nhưng có người tha hóa, sai lầm, có người lại là một tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm và đạo đức? Quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước dù chặt chẽ đến đâu cũng chỉ góp phần xử lý cái xấu, cái sai; để cho cái tốt sinh sôi nảy nở cần quan tâm đến giáo dục, rèn luyện đạo đức, trong đó tự tu dưỡng và rèn luyện là con đường không kém phần hiệu quả. Thế nên, một nhiệm vụ quan trọng là cần tăng cường kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng, nhằm giúp chỉ ra những hạn chế, bất cập, yếu kém của mỗi tổ chức đảng và đảng viên từ sớm. Đó là cách thức quan trọng ngăn ngừa sai phạm từ xa, từ trước. |