Như vậy, nguồn vốn đầu tư công không thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vốn cho đầu tư phát triển. Do đó, việc huy động các nguồn lực xã hội khác, đặc biệt từ khu vực tư, đóng vai trò hết sức quan trọng.
Năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được ban hành (có hiệu lực từ năm 2021) mang đến kỳ vọng rất lớn về thu hút nguồn vốn tư nhân tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, sau 2 năm triển khai, chỉ có 3 dự án BOT giao thông được chuyển tiếp từ giai đoạn trước đã ký; 8 dự án mới nhưng đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, chưa ký kết hợp đồng PPP. Thống kê từ Bộ KH-ĐT cho thấy, trước khi Luật PPP được ban hành, cả nước có 336 dự án PPP được ký kết hợp đồng (chủ yếu là BOT, BT) với số vốn huy động khoảng 1,6 triệu tỷ đồng. Còn theo Bộ Tài chính, năm 2010-2014 là giai đoạn số dự án PPP được ký kết nhiều nhất. Các hợp đồng PPP tập trung chủ yếu BOT, BT trong lĩnh vực giao thông. Giai đoạn 2015-2020 chủ yếu đàm phán một vài dự án BOT điện có vướng mắc thời kỳ trước và xử lý các vướng mắc của các dự án PPP đã ký hợp đồng.
Câu hỏi đặt ra là: Thể chế, chính sách, pháp luật hiện tại đã thực sự thúc đẩy đầu tư các dự án PPP tại Việt Nam? Đâu là những vướng mắc lớn trong triển khai các dự án PPP? Giải pháp nào để thu hút vốn tư nhân? Theo ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), trong các cuộc làm việc với 64 đơn vị, địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, quy định về mức vốn Nhà nước tham gia dự án PPP tối đa 50% tổng vốn đầu tư là không phù hợp. Một số ý kiến đề nghị bỏ quy định mức trần này; một số ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi tăng tỷ lệ này (có thể là 70% tổng mức đầu tư)… Các vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ.
Một vướng mắc quan trọng khác là về trình tự, thủ tục thanh toán vốn Nhà nước khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm. Cụ thể, một số dự án giao thông thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ GTVT được giao cho UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền và được sử dụng dự phòng ngân sách trung ương để thanh toán khi áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm. Trong khi đó, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP (quy định cơ chế quản lý tài chính dự án PPP) được xây dựng trên nguyên tắc dự án do Trung ương quản lý thì sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương; dự án do địa phương quản lý thì sử dụng nguồn dự phòng ngân sách địa phương. Điều này rõ ràng có sự mâu thuẫn.
Đặc điểm nổi bật nhất của PPP là cho phép Chính phủ chuyển giao một số rủi ro nhất định và các nghĩa vụ liên quan - cả trực tiếp và dự phòng - cho đối tác tư nhân. Điều này cho phép hiện thực hóa lợi ích cả vòng đời dự án, hiệu quả cao hơn. Vì vậy, những bất cập hiện nay cần thiết phải được sửa đổi, từ đó góp phần huy động được nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Hiện nay, Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng một luật sửa đổi các luật, trong đó dự kiến sửa đổi quy định nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án giao thông đường bộ. Do đó, các chuyên gia lưu ý, để sử dụng vốn Nhà nước thật sự hiệu quả cần quy định chặt chẽ về tiêu chí cho phép các dự án đường bộ được áp dụng mức trần vốn Nhà nước trên 50% tổng mức đầu tư; Nhà nước chia sẻ doanh thu giảm cho nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án PPP khi doanh thu thực tế giảm dưới 75%...