Cuộc tìm tòi của văn chương
Khác với những thế hệ trước, nhiều tác giả 9X ngày nay không ngần ngại lựa chọn tiểu thuyết làm tác phẩm đầu tay. Dù vẫn viết về lịch sử, về những chuyện đã thuộc về quá khứ nhưng mỗi người có sự tìm tòi để mang đến những câu chuyện của riêng mình.
Có thể kể đến Thành Châu (29 tuổi) với tiểu thuyết Hỏa Dực (Đinh Tị Books và NXB Hà Nội xuất bản). Tác phẩm tương đối dày dặn với hơn 350 trang, lấy bối cảnh những năm đầu của cuộc xung đột giữa nhà Tây Sơn và chúa Nguyễn. Mượn câu chuyện tình của cô gái Nguyễn Phúc Ngọc Tường với chàng trai Đỗ Thành, tác phẩm đã tái hiện một giai đoạn đầy biến động trong lịch sử mà ở đó chiến tranh đã trở thành nỗi đau chung.
Những ngày cuối năm 2020 ghi dấu sự trở lại của Hoàng Yến (27 tuổi) với tiểu thuyết Thượng Dương (Đinh Tị Books và NXB Phụ nữ) sau khi gây ấn tượng bằng tác phẩm đầu tay Săn mộ - Thông thiên la thành vào năm 2019. Tác phẩm lấy cảm hứng từ thảm án Thượng Dương cung, với mong muốn lật mở bức màn bí ẩn che phủ cuộc đời vị hoàng hậu bất hạnh nhất trong lịch sử Việt Nam.
Ngoài thế hệ 9X, năm 2020 cũng chứng kiến sự xuất hiện của một số tác giả 8X trong việc khai thác đề tài lịch sử. Trong đó có thể kể đến tác giả Duy Lê lần đầu chào sân bằng tiểu thuyết Cuộc vây (Phương Nam Book và NXB Đà Nẵng). Mượn khuôn thước của trò chơi chiến lược cổ xưa nhất: cờ vây, tác phẩm đưa người đọc đến với xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn đầu thế kỷ XVII.
Sự dấn thân đáng được trân trọng
Xét trên thực tế của thị trường xuất bản hiện nay, khi không ít tác giả trẻ viết về những đề tài mang tính chất xã hội, tình cảm, tâm lý, miêu tả cuộc sống đương đại có thể sớm thành danh, dễ nhận được sự chú ý của các NXB, công ty sách trong việc mua bản quyền tác phẩm; việc tìm đến những đề tài lịch sử của những nhà văn trẻ kể trên cho thấy sự nặng lòng với lịch sử dân tộc. Chính vì vậy, TS Hà Thanh Vân cho rằng, những tác giả trẻ viết về đề tài lịch sử rất đáng được trân trọng. Dù vậy, cũng cần nhìn nhận những khó khăn, hạn chế của tác giả trẻ khi thử sức ở địa hạt tiểu thuyết lịch sử/dã sử. “Những thế hệ trước, khi nói đến nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, sẽ nhớ đến nhân vật Trần Quốc Toản trong Lá cờ thêu sáu chữ vàng; nói đến nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, sẽ nghĩ ngay nhân vật Hồ Quý Ly trong tiểu thuyết cùng tên… Còn nhà văn trẻ khi viết về đề tài lịch sử, các nhân vật của họ chưa để lại những dấu ấn sâu đậm khiến độc giả phải nhớ”, TS Hà Thanh Vân nhận định.
Tuy nhiên, cũng theo TS Hà Thanh Vân, vì còn trẻ, họ có thể thiếu một số kiến thức, thiếu thời gian suy tư, đào sâu, suy ngẫm về đề tài… nhưng lại có lợi thế về tư duy nghệ thuật mới mẻ, tiếp cận nhiều kỹ thuật viết hiện đại cũng như nhiều tư liệu lịch sử mới được “giải mã”… Vì thế, họ không nhìn lịch sử theo kiểu xơ cứng, một chiều, cũng không làm công việc dùng văn học minh họa cho lịch sử, điều mà một số tác phẩm lịch sử trước đây dễ mắc phải.