Vậy là chỉ sau 1 năm được gộp vào Nghị quyết 01 về điều hành kinh tế - xã hội, nghị quyết riêng về vấn đề này (từ năm 2019 đến năm 2021 là Nghị quyết 02, từ năm 2014 đến năm 2018 là Nghị quyết 19) được ban hành độc lập trở lại. Dự thảo nghị quyết đến nay đã nhận được ý kiến của Thường trực Chính phủ, đang được hoàn thiện để kịp ban hành ngay những ngày đầu năm 2024, cùng với Nghị quyết 01 của Chính phủ về điều hành kinh tế - xã hội như thông lệ.
Lý giải về việc cần phải tách bạch nội dung này thành một nghị quyết riêng, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Duy Đông cho biết, trong những tháng đầu năm 2023, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vô cùng khó khăn. Hàng loạt cuộc làm việc với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp đã được Bộ KH-ĐT tổ chức nhằm ghi nhận các vấn đề vướng mắc và kiến nghị. Các cuộc làm việc cho thấy có sự chậm lại đáng kể, thậm chí là trì trệ, sao nhãng trong thực hiện các nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh.
“Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2023, Thủ tướng đã quyết định khôi phục lại nghị quyết hàng năm về cải thiện môi trường kinh doanh, với các nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên nhằm tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi”, Thứ trưởng Trần Duy Đông nêu rõ.
Dự thảo nghị quyết năm 2024 có cả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong đó, dự thảo nêu ra 6 nhóm giải pháp chính, như: tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư; nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả cổng thông tin một cửa quốc gia; gia tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.
Có thể thấy hầu hết các giải pháp này đều… không mới. Ngay cả việc xác định trách nhiệm của các tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng không phải là điều chưa từng có tiền lệ. Vấn đề then chốt, cũng là điều giới đầu tư kinh doanh kỳ vọng hơn cả, là việc xử lý kịp thời các vướng mắc được nhận diện trong quá trình thực hiện. Liệu các tổ công tác có được trao “thượng phương bảo kiếm” và có dám sử dụng để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương ban hành ngay các văn bản tháo gỡ khó khăn; đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các vướng mắc, khó khăn?
Dù sao đi nữa, sự trở lại của một bản dự thảo nghị quyết có thể coi là một bằng chứng khẳng định quyết tâm của người đứng đầu Chính phủ và Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp có thể hy vọng và chờ đợi.