Đặc sản của hội họa Việt
Nhìn từ lịch sử, có thể nói, tranh cổ động xuất hiện muộn, song nhanh chóng trở thành một loại hình nghệ thuật xung kích, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ mà sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước hay công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc đặt ra. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tranh cổ động là một loại hình nghệ thuật nổi bật với nhiều đóng góp vào thành tựu chung của mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Hầu hết họa sĩ Việt Nam, kể cả danh họa nổi tiếng cũng đã từng tham gia sáng tác tranh cổ động, như là một cách thức thể hiện ý thức, tinh thần công dân của mỗi nghệ sĩ.
“Tranh cổ động là một thể loại đặc biệt trong nghệ thuật đồ họa, có lịch sử phát triển gắn liền với lịch sử cách mạng Việt Nam. Sử dụng những thủ pháp đặc trưng mang tính cô đọng, súc tích, gần gũi, dễ hiểu, tranh cổ động đã kịp thời đưa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, vượt qua nhiệm vụ tuyên truyền cổ động trực quan để trở thành một thể loại nghệ thuật đồ họa độc đáo riêng của nền mỹ thuật cách mạng Việt Nam, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, TS Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, nhận định.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các họa sĩ nổi tiếng như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến… đã đóng góp nhiều tranh cổ động về tình quân dân, công tác binh vận, cổ vũ tinh thần của bộ đội khi ra trận... Trong kháng chiến chống Mỹ, đề tài tranh cổ động đã được các họa sĩ Việt Nam triển khai trên phạm vi rất rộng, từ hậu phương lớn miền Bắc đến tiền tuyến lớn miền Nam; từ chống chiến tranh phá hoại, tích cực ủng hộ, chi viện đồng bào miền Nam, cổ vũ các phong trào “người tốt, việc tốt”, “ba sẵn sàng”, “ba đảm đang”, tinh thần quả cảm và chiến công của bộ đội trên các chiến trường... đến cổ vũ toàn dân thi đua lao động, sản xuất; phong trào học văn hóa...
Mỗi bức tranh hơn vạn lời nói
Nếu trong thời kỳ chiến tranh hoặc đất nước còn khó khăn, vật liệu để họa sĩ vẽ tranh cổ động rất hạn chế thì hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, tranh cổ động được sáng tác khá đa dạng về chất liệu, phong phú về hình thức và cách thức thể hiện. Tranh cổ động còn có thể phát huy khả năng ứng dụng, thể hiện trong rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống, từ quảng cáo các bộ phim, chương trình nghệ thuật đến quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm tiêu dùng, hoặc dịch vụ...
Trong cuộc chiến chống Covid-19, dòng tranh cổ động lại trỗi dậy thực thi rất tốt sứ mệnh của mình. Phát động trong một thời gian rất ngắn, chỉ 5 ngày, song cuộc vận động vẽ tranh cổ động để tuyên truyền, vận động người dân chung tay phòng chống dịch bệnh, đồng thời cổ vũ đội ngũ y, bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch đã nhận được hơn 100 tác phẩm của các họa sĩ cả nước. 14 mẫu xuất sắc nhất được chọn và gần 11.000 bản in được đưa về treo tại trung tâm văn hóa các quận, huyện, thị xã… trên toàn quốc. Khắp các tỉnh thành trong những ngày này, hình ảnh 14 mẫu tranh cổ động xuất sắc nhất cuộc vận động sáng tác xuất hiện với ấn tượng trực quan mạnh mẽ, dễ đi vào lòng người, như “Ở nhà là yêu nước”, “Ai ho báo y tế, ai tung tin giả báo công an, ai trốn cách ly báo cộng đồng mạng”… truyền đi thông điệp chung tay đẩy lùi dịch Covid-19 được treo dọc các tuyến đường, góp phần cổ vũ, động viên tinh thần chống dịch của toàn xã hội.
Đã có lúc nhiều người cho rằng, dòng tranh cổ động chỉ còn trong các gallery bán đồ lưu niệm, song trước những sự kiện, vấn đề lớn của xã hội, của đất nước, dòng tranh ấy lại cất lên tiếng nói của riêng mình, thể hiện vai trò xung kích. “Tranh cổ động vẫn luôn đồng hành với những sự kiện lớn của đất nước, góp một tiếng nói quan trọng để cùng với các lĩnh vực nghệ thuật khác chuyển tải tới người dân những thông điệp bằng một ngôn ngữ riêng, đặc biệt” - họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định.