Đầu năm 2021, NSND Bạch Tuyết đã thực hiện chương trình cải lương phòng trà Gửi người tri kỷ. Sau sự thành công của đêm diễn đầu tiên, NSND Bạch Tuyết ấp ủ sẽ thực hiện thêm một đêm diễn cũng tại Phòng trà We.
Đến tháng 4-2021, nghệ sĩ (NS) Gia Bảo bắt tay thực hiện dự án cải lương Tài danh đất Việt diễn nhiều suất tại các phòng trà. Đây là chuỗi chương trình nghệ thuật góp phần tôn vinh những nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho sân khấu cải lương trong suốt mấy chục năm qua. Chương trình Thương hoài hai tiếng cải lương của nghệ sĩ Thanh Hằng đã mở màn cho dự án, diễn ra vào tối 4-4, tại Phòng trà We. Điều đáng mừng vui là chương trình bán hết vé từ rất sớm. Ngày công diễn, ban tổ chức phải kê thêm mấy chục ghế phụ để đáp ứng nhu cầu của rất đông khán giả muốn xem chương trình.
Sự thành công của đêm diễn đầu tiên giúp NS Gia Bảo mạnh tay lên lịch cho đêm thứ hai - chương trình của NS Hồng Nga với tên gọi Kiếp cầm ca tại Phòng trà Không tên (450 chỗ ngồi) dự kiến vào tối 6-6. Chương trình tiếp tục thu hút sự quan tâm của khán giả vì có sự tham gia của NSND Minh Vương, NSƯT Vũ Linh, Thoại Mỹ, Hữu Quốc, Tú Sương; NS Thanh Hằng, Linh Tâm, Minh Nhí, Bảo Trí, Võ Minh Lâm; ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung, Quốc Đại...
Thành công của mô hình sân khấu cải lương phòng trà trong giai đoạn hiện tại có thể được lý giải ở nhiều góc độ. Trước nhất là sự đầu tư chỉn chu và hấp dẫn của ê kíp thực hiện chương trình; kế đến là sức hút của các nghệ sĩ tham gia biểu diễn. Trong chương trình của NS Thanh Hằng có sự tham gia của các NSƯT Hoài Linh, Thoại Mỹ, Trọng Phúc, Vũ Luân, Tú Sương, NS Linh Tâm, ca sĩ Quốc Đại và các nữ nghệ sĩ là chị em ruột của NS Thanh Hằng: NSND Thanh Ngân, NS Ngân Quỳnh, Thanh Ngọc.
Sự trở lại của mô hình sân khấu cải lương phòng trà trong thời gian qua như một cách làm mới công tác tổ chức biểu diễn, giúp các sàn diễn cải lương truyền thống kịp thời đáp ứng nhu cầu giải trí của nhiều khán giả. Các ê kíp thực hiện chương trình cải lương phòng trà cũng hết lòng đem lại cho khán giả một không gian thưởng thức nghệ thuật cải lương ấm cúng, mộc mạc, gần gũi và thi vị hơn.
Hy vọng, sau đợt tạm dừng các hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật vì dịch, các sân khấu cải lương phòng trà sẽ tiếp tục hoạt động trở lại và phát huy tối ưu hiệu quả, góp sức lan tỏa các giá trị đặc sắc, độc đáo của bộ môn nghệ thuật cải lương đến với công chúng nhiều lứa tuổi.