Sự trải nghiệm cần thiết

Vài ngày nữa, đội tuyển U.23 Việt Nam sẽ bắt đầu chiến dịch tại VCK U.23 châu Á. Đây chỉ mới là lần thứ 2 đội tuyển của chúng ta góp mặt tại sân chơi này.
 Nhưng sự kỳ vọng của người hâm mộ đối với thầy trò HLV Park Hang-seo không cao như cách đây 2 năm, khi lứa cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường… vẫn còn đang thu hút.

Thực tế thì cơ hội để làm nên điều đặc biệt tại VCK U.23 châu Á là rất thấp, do trình độ của bóng đá Việt Nam vẫn còn khoảng cách lớn so với tốp 10 châu Á. Thế nhưng, không thể vì thế mà lại đánh giá thấp, thờ ơ với những gì thầy trò HLV Park Hang-seo sẽ thực hiện ở Trung Quốc trong những ngày tới. Lẽ ra họ cần phải được nhận nhiều hơn sự quan tâm, động viên mới đúng, bởi việc có mặt tại VCK châu Á không bao giờ dễ dàng với nền bóng đá vốn nằm ngoài tốp 20 châu lục như Việt Nam.
Điều mà bóng đá Việt Nam có được tại những sân chơi lớn như thế này không phải là thành tích, cũng chưa chắc đã tích lũy được gì nhiều nếu phải nhận những trận thua đậm, nhưng chắc chắn đó là cuộc trải nghiệm quý giá đối với các cầu thủ ở độ tuổi U.23. Sự nghiệp của họ nằm ở phía trước với gần 10 năm chơi bóng đỉnh cao. Việc chuẩn bị thật tốt, thi đấu hết sức mình ở một đấu trường có trình độ cao như thế này sẽ giúp cầu thủ biết rõ năng lực của mình và phần nào đó, cũng là cơ hội để lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch chuyên săn lùng tài năng trẻ bóng đá châu Á.

Nói như vậy bởi trong thế giới phẳng, khả năng một cầu thủ Việt Nam được ra nước ngoài thi đấu ngày càng nhiều hơn. Điểm đến của họ cũng phong phú hơn, từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đến Thái Lan, Indonesia… Nếu bóng đá Việt Nam có nhiều cầu thủ “xuất ngoại” thì đó là yếu tố không thể mua được bằng tiền và tạo nên sức mạnh cho các đội tuyển quốc gia. Nhưng muốn được biết đến rộng rãi, các cầu thủ phải thể hiện mình ở các giải đấu cấp châu lục chứ không phải ở V-League, giải đấu đang ngày càng mất đi vị thế trong làng cầu châu Á.

Tuy nhiên, dường như ở góc nhìn của không ít người, việc có đến 6 đội tuyển góp mặt tại các VCK châu Á trong năm 2018 này không có nhiều ý nghĩa. Thậm chí còn cho rằng, chẳng qua là “ăn may”, tương tự cách nhìn nhận về việc U.20 Việt Nam dự World Cup hồi năm ngoái. Ở đây, người ta chỉ nhìn thấy mặt tiêu cực của nó, đó là việc phải đá tại sân chơi quá tầm sẽ tạo ra các thành tích kém cỏi, khiến cho người hâm mộ thêm bi quan. Trong khi đó, các mặt tích cực về sự trải nghiệm của cầu thủ, về “thói quen” thi đấu đỉnh cao, về kinh nghiệm tham gia các giải đấu lớn… lại thường bị xem nhẹ.

Bóng đá Việt Nam hiện nay, dù đã bớt đi phần nào kiểu làm bóng đá “xây nhà từ nóc” nhưng vẫn còn tồn tại cách nhìn nhận ngắn hạn, bất chấp những thành quả mà bóng đá Việt Nam đã gặt hái được. Khi thi đấu không đạt thành tích cao, lại có xu hướng “ba phải” theo kiểu “chơi bóng đá đẹp không cần đến kết quả ra sao”. Thậm chí, một giải thưởng tôn vinh công sức lao động của cầu thủ như Quả bóng vàng Việt Nam cũng bị nghi ngờ chỉ vì sự thất bại của đội U.22 ở SEA Games vừa qua… Những quan điểm ấy không hoàn toàn sai, nhưng nó cũng là một kiểu biểu hiện ham muốn thành tích, chắc chắn không phải là động lực cần thiết cho sự phát triển của một nền bóng đá còn nhiều bất cập, yếu kém và chịu nhiều thiệt thòi như Việt Nam. 

Chúng ta khuyến khích chơi bóng đá đẹp, có thành tích tốt nhưng cũng cần phải biết cách động viên cầu thủ để họ nỗ lực nhiều hơn ở khía cạnh cá nhân, nỗ lực hơn về chuyên môn, có tham vọng hơn về mặt nghề nghiệp… trong các hoàn cảnh khó khăn cũng như quá tầm về chuyên môn. 

Tin cùng chuyên mục