Nối dài hạnh nguyện
Đứng lớp với đôi chân trần, thân mình đắp tấm y màu vàng - trang phục tu sĩ Phật giáo Nam Tông, sư Minh Giải say sưa giảng dạy phương pháp viết đoạn văn nghị luận về sự tử tế qua lời thoại của bác tài xế và người lơ xe trong hành trình mưu sinh giữa Sài Gòn cho gần 10 học sinh là các sư cô, sư thầy tại TP Huế chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT 2022.
Cùng thời điểm ấy, qua máy camera đặt giữa lớp học, hàng trăm học sinh khác ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM… cũng lắng nghe bài giảng qua kênh Facebook và YouTube trực tuyến.
"Đời tu hành, mỗi người có một hạnh nguyện. Người thuyết giảng, người viết kinh sách, chữa bệnh. Tôi được Hòa thượng sư phụ tạo điều kiện cho giảng dạy Ngữ văn để duy trì đam mê, cũng là thỏa ước nguyện giúp học sinh vừa hoàn thiện lại vừa hướng thiện”, sư Minh Giải bắt đầu câu chuyện sau giờ ra chơi buổi học tại chùa Huyền Không.
Kể về cái duyên mở lớp học, sư Minh Giải nhớ lại thời điểm trước khi xuất gia từng dạy học miễn phí cho các học sinh khó khăn tại Hà Nội. Sau khi vào Huế tu học, muốn làm điều gì đó vừa duy trì niềm đam mê dạy học, vừa giúp các bạn học sinh sắp thi tốt nghiệp THPT ôn tập lại kiến thức.
“Ban đầu tôi được sư phụ giao giúp các chú trong chùa học tập. Sau vài ba clip đăng tải lên trang Facebook và YouTube, một số tu sĩ trẻ ở các chùa tại TP Huế ngỏ lời mở lớp dạy trực tiếp. Lớp học hình thành ngay thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát nên có nhiều người theo học, cho đến bây giờ tôi vẫn duy trì việc giảng dạy bằng cả hai hình thức online và dạy tại chùa”, sư thầy Minh Giải chia sẻ.
Ngoài việc thường xuyên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các thầy cô, sư Minh Giải còn dành nhiều thời gian chuẩn bị giáo án, số hóa những kiến thức môn Ngữ văn, rồi nghiên cứu các tài liệu liên quan kiến thức xã hội, cập nhật kiến thức mới cho phần bài giảng của mình thêm sinh động dễ học. Vì vậy, những học sinh của thầy cũng được yêu cầu học tập chăm chỉ, chuyên cần với tinh thần tự học rất cao.
“Bài giảng livestream trên Facebook và phát lại trên YouTube để người học tiện theo dõi. Song, người học không cùng trình độ nên quá trình soạn giáo án mình áp dụng sơ đồ tư duy, trình chiếu slide và video về tác giả, tác phẩm ở cuối bài giảng”, sư Minh Giải nói.
Ngoài ra, sư còn hướng dẫn người học cách viết bài sáng tạo. Trong đó, học sinh học trực tiếp được yêu cầu lên bảng viết để rèn tư duy, cách trình bày và nâng cao sự tự tin. Còn học sinh học online thì bài làm gửi lại cho thầy gmail hoặc messenger. Tất cả được sư Minh Giải đọc một cách cẩn thận và sửa từng chút một.
“Trước đây chủ yếu dạy cảm thụ văn học, nhưng giờ học sinh còn phải làm bài nghị luận xã hội; tư tưởng đạo lý. Do đó, phương pháp mà tôi đưa ra là cần đọc nhiều, viết nhiều, từ đó khối kiến thức của học sinh sẽ tự nâng cao một cách tự nhiên, không gò ép”, sư Minh Giải chia sẻ.
Trái ngọt đầu mùa
Văn chương là sự sáng tạo và cảm nhận riêng của mỗi người nên sư Minh Giải luôn tìm cách giúp học sinh phát triển năng lực cảm thụ, dạy cảm nhận cái hay, cái đẹp trong từng câu chữ thay vì học thuộc thụ động, máy móc.
“Qua từng bài giảng của sư Minh Giải, em cảm nhận được nét độc đáo và ý nghĩa ẩn sâu trong từng tác phẩm. Thầy giảng bài rất tâm huyết và dễ hiểu. Nhờ thầy, em không còn sợ học môn Ngữ văn mà đã tìm được niềm yêu thích và hứng thú với môn học này”, bạn Lê Trang lớp 12 tại TP Huế học Ngữ văn thầy Minh Giải qua lớp học online chia sẻ.
Sư cô Yển Nguyệt ở tịnh thất Phước Thiền (TP Huế), là học sinh khóa 2 nay theo học ngành Đông phương học, trường ĐHKH Huế chia sẻ, thầy Minh Giải giảng bài rất sinh động, lối trình bày mạch lạc và dễ tiếp cận. Nhờ theo học lớp sư thầy, mà sư cô được truyền thêm tình yêu với môn Ngữ văn và trúng tuyển vào ngành học mơ ước.
Ngoài ra, 2 khóa đầu tiên đã có 14 học sinh của sư Minh Giải đỗ vào các trường ĐHSP Huế, trường Sĩ quan Chính trị hay Học viện Phật giáo… với điểm môn Ngữ văn rất cao. Đó là động lực để sư Minh Giải tiếp tục mở lớp dạy học cho các đối tượng khác, không riêng gì ôn thi tốt nghiệp.
Ngày thầy dạy học, tối nghiên sách vở tài liệu, rồi lại lên lớp dạy Phật học theo đề nghị của một số cơ sở tôn giáo khác, liệu sư còn thời giờ cho kinh kệ của một tu sĩ? Sư cười: "Lúc dạy học là tôi đang công phu hành trì đó!".
Mỗi ngày nhà sư thức lúc 3 giờ 30 phút sáng, khai kinh, tọa thiền, đọc sách báo, rồi đọc tài liệu và chấm, sửa bài cho từng học sinh. Lúc rảnh, sư Minh Giải bổ trợ kiến thức văn hóa và tiếng Anh cho những tu sĩ trong chùa Huyền Không và các chùa lân cận để mọi người vững vàng hơn trên con đường tu tập và hành đạo. Sư Minh Giải còn tham gia nhiều hoạt động xã hội ý nghĩa như phát cơm miễn phí cho người lao động nghèo, người già neo đơn và sinh viên bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh tại Huế…
Hòa thượng Pháp Tông, Phó trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế, trụ trì chủa Huyền Không chia sẻ, công việc sư Minh Giải rất thầm lặng, nhưng vô cùng ý nghĩa khi mình có gì thì mình chia sẻ với mọi người. Kiến thức, kỹ năng sẽ lan tỏa sự hiểu biết về mọi vấn đề trong cuộc sống nên nhà chùa rất ủng hộ công việc giảng dạy của sư Minh Giải.