Không chỉ tại Việt Nam, nhiều bảo tàng lớn và lâu đời trên thế giới có quy định về hạn chế quay phim - chụp hình là điều rất bình thường. Các hiện vật trưng bày tại bảo tàng có tuổi đời hàng trăm, hay hàng ngàn năm, chính vì hiện vật lâu đời, nên chất liệu/vật liệu rất nhạy cảm với ánh sáng, điều kiện nhiệt độ...
Tại một số bảo tàng, hay phòng trưng bày hội họa, quy định hạn chế, thậm chí cấm chụp hình bằng máy ảnh/điện thoại có đèn flash là điều bình thường.
Bên cạnh đó, nhiều giám tuyển trong lĩnh vực hội họa cũng cho biết, với một số trưng bày đặc biệt, đơn vị tổ chức, hay các bảo tàng có thể hỏi khách tham quan về mục đích chụp và sử dụng hình ảnh trước khi cho phép bấm máy. Vì đó có thể là những tác phẩm quý hiếm lần đầu xuất hiện, hay tác phẩm độc quyền…
Việc trao đổi trước khi cho khách chụp ảnh, nhằm đảm bảo hình ảnh này không ảnh hưởng đến đơn vị sở hữu hoặc chồng chéo vấn đề bản quyền trong sử dụng với mục đích thương mại.
Điều này không chỉ phổ biến ở các bảo tàng nghệ thuật trên thế giới mà nhiều phòng tranh tại TPHCM cũng đã áp dụng để đảm bảo tính bản quyền trọn vẹn cho tác giả hoặc đơn vị đang sở hữu bộ sưu tập, tránh tình trạng chụp và sao chép lại tác phẩm.
Để tăng thu hút và giữ khách trở lại nhiều lần sau, tự thân mỗi bảo tàng cần có những quy định, chính sách công chúng rõ ràng và phù hợp trong nhịp sống 4.0, khi mà hình ảnh, mạng xã hội đang lên ngôi. Và về lâu dài, việc nâng cao trình độ thẩm mỹ cộng đồng là giải pháp cần được chú trọng và quan tâm trước hết.
Bởi một tác phẩm, hay một thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà triển lãm… cần sự thấu hiểu từ hai phía, người tổ chức lẫn người thưởng thức. Cái đẹp cần đặt đúng chỗ và người đủ am hiểu thì mới cảm nhận được; hay thiết chế văn hóa có những quy định phù hợp thì hoạt động hoặc trưng bày bên trong mới có thể phát huy hết cái hay để người tham quan cảm nhận đúng và đủ.